Trang chủ Tin tức Pháp luật An Giang: Nhiều đối tượng vận chuyển thuê hàng lậu để có...

An Giang: Nhiều đối tượng vận chuyển thuê hàng lậu để có thu nhập chính

Theo BCĐ 389 tỉnh An Giang, nhiều đối tượng tham gia vận chuyển hàng lậu, hàng cấm hầu hết là người không có nghề nghiệp ổn định, ở đủ các độ tuổi, thành phần gia đình nghèo, lấy hoạt động vận chuyển thuê hàng lậu, hàng cấm làm nguồn thu nhập chính trong gia đình, có một số là nông dân trong thời điểm nông nhàn.

Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, tuyến đường biên giới kéo dài gần 100 km, có nhiều đường mòn, lối mở, kênh rạch thông qua lại giữa An Giang và các tỉnh Campuchia, thời gian qua luôn là điểm nóng cho tội phạm buôn lậu gia tăng hoạt động.

Nhất là giai đoạn trước và sau Tết, tình hình buôn lậu có diễn biến khá phức tạp ở một số khu vực điểm nóng trên địa bàn khu vực biên giới; do nhu cầu tiêu thụ tăng cao để phục vụ sản xuất, kinh doanh trong dịp Tết nên các đối tượng buôn lậu  luôn tranh thủ mọi thời cơ, thời điểm thuận lợi để gia tăng hoạt động, cả về số lượng, mức độ và quy mô vận chuyển; Tuy nhiên đến thời điểm cuối tháng 12/2018, khi lực lượng Công an kinh tế Bộ Công an triệt phá đường dây buôn lậu trên địa bàn tỉnh An Giang, các ngành, địa phương đồng loạt triển khai các kế hoạch, phương án tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và trấn áp tội phạm, trong đó Ban chỉ đạo 389 huyện An Phú có chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn thành lập chốt chặn tại các tuyến đường, kênh mương thường xuyên hoạt động buôn lậu,…từ đó đã làm hạn chế đi đáng kể tình hình hàng hóa nhập lậu qua biên giới, đối với buôn lậu mặt hàng đường cát đã giảm đi rất nhiều, riêng mặt hàng thuốc lá nhập lậu do nhu cầu tiêu thụ cao nên các đối tượng vẫn tìm mọi phương cách để lén lút vận chuyển nhỏ lẻ qua biên giới và đi sâu vào nội địa tiêu thụ.

Các tuyến, địa bàn trọng điểm: chủ yếu là Phường Vĩnh Ngươn, kênh Vĩnh tế thuốc xã Vĩnh Tế TP. Châu Đốc, Thị trấn Long Bình, xã Khánh An, huyện An Phú; thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên; Mặt hàng nhập lậu gồm có: thuốc lá ngoại, điện tử, điện lạnh, linh kiện xe môtô, quần áo đã qua sử dụng, mỹ phẩm, đường cát ngoại và các loại hàng tiêu dùng…

Về phương thức, thủ đoạn hoạt động buôn lậu nhìn chung không có nhiều thay đổi: các đối tượng buôn lậu vẫn hết sức tinh vi, đa dạng, thay đổi nhanh theo tình hình, luôn cấu kết, móc nối hình thành các đường dây vận chuyển từ biên giới vào nội địa khá chặt chẽ và trong quá trình hoạt động luôn cử người canh coi các lực lượng chức năng (24/24) để thông báo cho nhau né tránh; Hàng lậu chủ yếu vẫn được tập kết sát với biên giới để chờ thời cơ thuận lợi, sau đó sử dụng các xe môtô, ghe, xuồng máy có tốc độ cao hoặc thuê nhiều người đai vác lén lút vận chuyển qua biên giới theo các đường mòn, kênh rạch. Sau khi qua biên giới, hàng hóa được cất giấu vào các kho hàng, chia nhỏ cất giấu trong nhà, tập kết tại các nơi vắng vẻ và nhanh chóng đưa lên các xe môtô, ôtô đang chờ sẵn để tiếp tục vận chuyển vào nội địa tiêu thụ, thời gian hoạt động thường vào lúc chập tối, nửa đêm, sáng sớm,…

Đối tượng tham gia vận chuyển hàng lậu, hàng cấm hầu hết là người không có nghề nghiệp ổn định, ở đủ các độ tuổi, thành phần gia đình nghèo, lấy hoạt động vận chuyển thuê hàng lậu, hàng cấm làm nguồn thu nhập chính trong gia đình, có một số là nông dân trong thời điểm nông nhàn.

Về phía tỉnh đã chỉ đạo 04 lực lượng chủ chốt (Công an, Hải quan, Biên phòng, QLTT) và Ban Chi đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch tăng cường công tác đấu tranh ngăn chặn hàng hóa nhập lậu, hàng cấm ở khu vực biên giới và trong nội địa; kiên quyết triệt xóa các đường dây, ổ nhóm,… không để phát sinh tình hình phức tạp, điểm nóng trên địa bàn, lĩnh vực quản lý.

Thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh và huyện, thị xã, thành  phố  để thực hiện cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và bình ổn thị trường. Bên cạnh, các ngành và địa phương chủ động phối hợp báo, đài để kịp thời thông tin, tuyên truyền về tình hình kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm để cảnh báo cho người tiêu dùng và răn đe vi phạm.

Chỉ tính giai đoạn cao điểm trước và sau Tết, các lực lượng chức năng tỉnh An Giang kiểm tra, phát hiện vi phạm 352 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm bị bắt giữ trên 25 tỷ đồng, (trong đó thuốc lá nhập lậu bắt giữ 233.077 gói, đường cát nhập lậu bắt giữ 30.850 kg). Xử phạt VPHC, số tiền thu phạt trên 702,75 triệu đồng; Xử lý hình sự: khởi tố 10 vụ, 12 bị can.

Thời gian tới, các lực lượng chức năng tiếp tục chủ động các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đảm bảo không để xảy ra điểm nóng, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận. Công an tỉnh xây dựng, xác lập chuyên án đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng chủ mưu, cầm đầu; kiên quyết ngăn chặn, đấu tranh xử lý không để phát sinh điểm nóng trên địa bàn…

Đồng thời, các Sở, ngành liên quan nghiên cứu, khảo sát, đẩy nhanh lắp đặt camera ở các tuyến đường, địa bàn là điểm nóng mà tội phạm buôn lậu đang gia tăng hoạt động như: huyện Tinh Biên, An Phú và thành phố Châu Đốc, để cơ quan chức năng theo dõi, phát hiện nhanh, để tiến hành truy bắt các đối tượng buôn lậu một cách có hiệu quả.

T.Lan

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here