Trang chủ Tư vấn Bảo hộ chỉ dẫn địa lý: Góc nhìn từ một số nước...

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý: Góc nhìn từ một số nước trên thế giới

DNĐV – Hiện nay, bảo hộ chỉ dẫn địa lý trên thế giới được mỗi quốc gia áp dụng với những tiêu chí riêng dựa trên thế mạnh và lợi ích của từng đất nước.

Theo một thống kế các kết quả nghiên cứu về hộ chỉ dẫn địa lý cho thấy, thế giới có khoảng hơn 10.000 hộ chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, với giá trị thương mại ước tính hơn 50 tỷ USD. Nhiều quốc gia nhận thức ngày càng rõ rằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý chính là một cơ hội, chúng có những thuộc tính thể chất đặc thù và văn hóa độc đáo mà có thể chuyển thành sản phẩm khác biệt. Những tài sản vật chất và văn hóa hình thành nên giá trị cơ bản cho các đặc trưng của hộ chỉ dẫn địa lý.

Với các nước Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Thái Lan… đã thành công với những giải pháp, quan điểm xây dựng thương hiệu cho nông sản, đặc biệt là bảo hộ chỉ dẫn địa lý của cộng đồng chung châu Âu đó là: chống lại sự giả mạo và lạm dụng tên gọi của các sản phẩm gắn với một địa danh cụ thể; chống lại các hành vi xâm phạm và cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường; góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn.

Được biết tại Pháp, dựa vào các sản phẩm đặc thù được xây dựng nhãn hiệu cộng đồng để thúc đẩy kinh tế nông thôn (ẩm thực, lễ hội truyền thống, du lịch cộng đồng…). Nhờ các hoạt động này, nông dân và nông thôn Pháp vẫn đứng vững trước các khó khăn do quá trình toàn cầu hóa, đô thị hóa và công nghiệp hóa. Nhãn hiệu cộng đồng trở thành công cụ đắc lực làm sống lại khu vực nông thôn Pháp. Mô hình này đã được nhân rộng và phát triển thành mạng lưới quốc tế.

Còn tại một số khu vực miền núi của Tây Ban Nha, đứng trước nguy cơ chỉ còn những người già và đàn ông chăn cừu định cư do phụ nữ trẻ và thanh niên rời bỏ nông thôn, người dân Tây Ban Nha đã xây dựng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt cừu, mở dịch vụ du lịch gắn với cừu, ẩm thực thịt cừu và khôi phục lại các lễ hội truyền thống. Các hoạt động này đã làm cho kinh tế phát triển trở lại, thu nhập tăng, nam thanh niên chăn cừu cảm thấy tự hào khi được sử dụng các kiến thức bản địa vốn có của họ…. và ngày càng có nhiều phụ nữ không muốn rời bỏ nông thôn nữa.

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý: Góc nhìn từ một số nước trên thế giới

 Thanh long Bình Thuận của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản

Tại Việt Nam, bảo hộ chỉ dẫn địa lý được đánh giá góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế. Bởi người tiêu dùng tin rằng khi mua sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, họ đã lựa chọn được sản phẩm, có chất lượng, an toàn. Đồng thời các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý được đảm bảo rằng các sản phẩm có tính chất đặc thù của địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia; bảo vệ được bí quyết công nghệ, thúc đẩy phát triển nông thôn và du lịch. Chỉ dẫn địa lý cũng là một nhân tố quan trọng góp phần trong bình ổn chất lượng và danh tiếng của các sản phẩm. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý được coi là công cụ marketing quan trọng trong cạnh tranh thị trường trong thời gian tới. Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý đóng vai trò quan trọng để phát triển hình ảnh tốt đẹp của sản phẩm tới người tiêu dùng.

Chưa kể, bảo hộ chỉ dẫn địa lý là động lực góp phần cải thiện nền nông nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại hóa. Kinh nghiệm của các nước phát triển và thực tế tại Việt Nam cho thấy việc xây dựng hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã góp phần cải thiện nền nông nghiệp nông thôn vì nó là điều kiện phát huy các lợi thế riêng có của địa phương đó để phát triển sản phẩm đặc sản. Đây được coi là cách thức hiệu quả nhất để có được sự thành công trong việc phát triển sản phẩm nông nghiệp.

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý cũng được coi góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho đặc sản địa phương: Việt Nam là vùng nông nghiệp nhiệt đới, phong phú, đa dạng sinh học, 50-60% người dân tham gia vào sản xuất nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp chiếm 20-30% GDP, nên Việt Nam có đầy đủ điều kiện phát triển nền nông nghiệp dựa trên cơ chế bảo hộ chỉ dẫn địa lý… Bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc sản đang là một hướng đi có hiệu quả nhằm bảo vệ tên tuổi và nâng cao giá trị hàng hoá trong nước, xúc tiến xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài làm tăng kim ngạch xuất khẩu. Nếu triển khai tốt việc xây dựng, quản lý, khai thác càng nhiều sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho hàng nông sản, đặc biệt đối với Việt Nam, một trong các nước hàng đầu trên thế giới về xuất khẩu nông sản: hạt tiêu, gạo, cà phê, điều, thanh long …

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý cũng giúp đảm bảo quyền và lợi ích cho người sản xuất và tiêu dùng. Chỉ dẫn địa lý đang được xem là một công cụ quan trọng cung cấp sự đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, khi một chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, cơ chế quản lý và kiểm soát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý cũng như việc duy trì, đảm bảo chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý sẽ tạo ra công ăn việc làm cho số lượng lớn người lao động của địa phương đó, khắc phục tình trạng thất nghiệp. Khi chỉ dẫn địa lý đã được thừa nhận và biết đến một cách rộng rãi trên thị trường, nó sẽ là phương tiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho không chỉ người sản xuất của địa phương mà cả những nhà kinh doanh, nhà sản xuất nguyên liệu thô, phụ phẩm, các công ty vận tải…

Hoàng Dương

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here