Trang chủ Tin tức Pháp luật BCĐ 389 tỉnh Lạng Sơn: Tăng cường chống buôn lậu, gian lận...

BCĐ 389 tỉnh Lạng Sơn: Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại trong hoạt động thương mại điện tử

DNĐVThực hiện Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389 ngày 10/10/2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn xây dựng Kế hoạch 130/KH-BCĐ 389 triển khai trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Tại Kế hoạch 130/KH-BCĐ 389, BCĐ 389 tỉnh Lạng Sơn đề ra nhiệm vụ, giải pháp chung để tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của các thương nhân, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có tham gia hoạt động thương mại điện tử đã được quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử.

Thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát tổng hợp, đánh giá, phân loại đối tượng, mặt hàng, nhận diện các hành vi, phương thức, thủ đoạn để tham mưu, đề xuất các biện pháp, giải pháp công nghệ, kỹ thuật phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về thương mại điện tử, công khai các đối tượng có hành vi, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử; xây dựng nội dung tuyên truyền theo các chuyên đề để phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân, tạo sức lan tỏa sâu, rộng để người dân tích cực, chủ động tham gia tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.

Trước hết các đơn vị chủ động tuyên truyền, xây dựng nội dung yêu cầu toàn bộ công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị mình quản lý ký cam kết không sử dụng trang thông tin điện tử, mạng xã hội, tài khoản zalo, facebook cá nhân để kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, thường xuyên bổ sung kiến thức nghiệp vụ, cập nhật các xu hướng phát triển công nghệ thông tin, nền tảng công nghệ mới cho công chức nhằm đáp ứng yêu cầu, nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng, chống các đối tượng sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử.

Chủ động rà soát, tăng cườngphối hợp với các lực lượng chức năng tại khu vực Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc nhằm phát hiện các đối tượng sử dụng các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, các dịch vụ trên không gian mạng do nước ngoài cung cấp xuyên biên giới để buôn lậu, xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa vi phạm qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Cùng với đó, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát hiện, đề xuất sửa đổi, bổ sung, khắc phục những bất cập, hạn chế trong hoạt động thương mại điện tử.

Cũng tại Kế hoạch 130/KH-BCĐ389, BCĐ 389 tỉnh Lạng Sơn phân công nhiệm vụ cho các lực lượng: Công an tỉnh,  Cục Quản lý thị trường, Sở Thông tin, truyền thông; Hải quan, Bộ đội biên phòng…  rà soát, xây dựng các chương trình, nội dung tuyên truyền phổ biến pháp luật về thương mại điện tử Tăng cường công tác rà soát, thanh tra, kiểm tra phát hiện xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để vi phạm pháp luật; Phối hợp cùng với các lực lượng chức năng rà soát các trang thông tin điện tử sử dụng tên miền “.vn”, các trang mạng xã hội, tài khoản mạng xã hội vi phạm các hoạt động trong thương mại điện tử; phối hợp với các cơ quan có liên quan để kịp thời phát hiện các trang thông tin điện tử sử dụng tên miền quốc tế để hoạt động vi phạm tại Việt Nam; trong đó lưu ý đến các nhóm đối tượng sử dụng hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới kết hợp hoạt động dịch vụ bưu chính quốc tế…

Hải Nam (theo BCĐ 389)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here