Trang chủ Tin tức Đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng giúp ‘tăng tốc’ xuất khẩu rau...

Đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng giúp ‘tăng tốc’ xuất khẩu rau quả

DNĐV – Để tận dụng cơ hội thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm hàng rau quả và đáp ứng đúng các tiêu chuẩn mà phía thị trường nhập khẩu yêu cầu.

Theo thông tin từ Bộ Công thương, trong tháng 3/2021, trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt 380 triệu USD, tăng 6,3% so với tháng 3/2020. Tính chung trong 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 944 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2020. Bất chấp đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam diễn ra khá sôi động trong ba tháng đầu năm 2021.

Hiện, cả nước ta có khoảng 1,05 triệu ha cây ăn quả, sản lượng hơn 12,6 triệu tấn. Sản phẩm trái cây của Việt Nam đã xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới. Ðến nay, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cấp được 998 mã số vùng trồng các loại trái cây để xuất khẩu vào thị trường chất lượng cao như Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, EU. Ngoài ra, cũng đã cấp 47 mã số cơ sở đóng gói cho nông sản xuất khẩu sang các thị trường này.

Các chuyên gia đánh giá, từ đầu năm 2021, bên cạnh những thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Thái Lan, Hàn Quốc… ngành hàng rau quả của Việt Nam đã đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường tiềm năng lớn khác, như: Ai Cập, Kuwait, Ukraine, Senegal… Đây kỳ vọng sẽ là những thị trường giúp ngành hàng rau quả Việt Nam nâng cao giá trị xuất khẩu trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, kết quả đạt được cũng đặt ra những vấn đề nội tại của ngành hàng rau quả xuất khẩu. Hiện nay, quy mô sản xuất rau quả của Việt Nam tuy lớn nhưng còn rất manh mún, chưa sản xuất tập trung với quy mô lớn nên việc áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với từng hộ nông dân là rất khó khăn và tốn kém. Sản xuất rau quả an toàn theo hướng VietGap hay GlobalGap còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 10 – 15%/tổng diện tích trồng trọt nên doanh nghiệp gặp khó khăn trong huy động lượng hàng lớn đạt tiêu chuẩn thực hiện các hợp đồng xuất khẩu. Ngoài ra, những khó khăn về vận chuyển, giá cước tăng cao, thiếu container rỗng, đường hàng không trục trặc… làm ảnh hưởng đến giá thành. Sức tiêu thụ ở thị trường nhập khẩu do ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn còn là thách thức lớn.

Để tận dụng cơ hội thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng rau quả và đáp ứng đúng các tiêu chuẩn mà phía thị trường nhập khẩu yêu cầu.

Các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm hàng rau quả và đáp ứng các tiêu chuẩn mà phía thị trường nhập khẩu yêu cầu. Ảnh minh họa.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, Đề án đề ra mục tiêu đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8 – 10 tỷ USD. Trong đó, tỷ trọng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến đạt 30% trở lên; công suất chế biến rau quả đạt 2 triệu tấn sản phẩm/năm, gấp gần hai lần so với năm 2020; thu hút đầu tư mới 50 – 60 cơ sở chế biến rau quả có quy mô lớn và vừa; xây dựng, phát triển thành công một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến rau quả hiện đại ngang tầm khu vực, thế giới với khả năng cạnh tranh quốc tế cao.

Để đạt mục tiêu trên, Đề án cũng đề ra những nhiệm vụ cụ thể: Đẩy mạnh đầu tư nâng cao năng lực chế biến rau quả; phát triển cơ sở sơ chế, bảo quản rau quả tươi; đẩy mạnh chế biến các sản phẩm rau quả chủ lực, sản phẩm có giá trị gia tăng cao; tổ chức sản xuất rau quả nguyên liệu phục vụ chế biến; phát triển thị trường tiêu thụ rau quả.

Thu hút mạnh đầu tư để đến năm 2030, bảo đảm tại những khu vực sản xuất rau quả tập trung, hợp tác xã sản xuất và tại các cơ sở, đại lý thu gom lớn được đầu tư máy, trang thiết bị, xưởng sơ chế, đóng gói, kho mát với quy mô phù hợp để hình thành hệ thống các cơ sở sơ chế, đóng gói đồng bộ.

Đẩy mạnh chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm từ nguyên liệu rau quả và từ phế phụ phẩm sau chế biến; phấn đấu trong giai đoạn 2021 – 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân trên 10%/năm; xây dựng, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất rau quả bảo đảm nguyên liệu được cung cấp (khoảng 5-6 triệu tấn vào năm 2030) có chất lượng, an toàn thực phẩm cho hoạt động chế biến…

Mai Phương (theo VietQ)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here