Trang chủ Câu chuyện khởi nghiệp DOANH NHÂN PHẠM THỊ YẾN NHI – “NGƯỜI THÀNH CÔNG LÀ NGƯỜI...

DOANH NHÂN PHẠM THỊ YẾN NHI – “NGƯỜI THÀNH CÔNG LÀ NGƯỜI KHÔNG BAO GIỜ BỎ CUỘC”

DOANH NHÂN PHẠM THỊ YẾN NHI – “NGƯỜI THÀNH CÔNG LÀ NGƯỜI KHÔNG BAO GIỜ BỎ CUỘC”

Những năm gần đây, bar là mô hình giúp các nhà đầu tư ăn nên làm ra. Ngày càng có nhiều người tìm đến các quán bar, một phần để trải nghiệm, phần đến vì sở thích, chính vì vậy đã đem tới nguồn thu không nhỏ cho những nhà đầu tư. Phạm Thị Yến Nhi – chủ sở hữu chuỗi nhà hàng quán bar Tanabata là một trong số những doanh nhân rất thành đạt với mô hình kinh doanh nhiều tiềm năng này.

Cái khó ló cái khôn

Rời giảng đường Đại học, cô gái trẻ Phạm Thị Yến Nhi đã bắt tay ngay vào con đường kinh doanh của riêng mình. Ý tưởng kinh doanh đầu tiên đến với cô là mở quán café Ý. Nghiên cứu khá kỹ thị trường, cô tìm chỗ cho thuê mặt bằng và thu mua các loại máy móc. Theo thỏa thuận, chiếc máy pha chế café sẽ được vận chuyển đến nhà cô một tuần sau đó. Thế nhưng khi tự nhận thấy khả năng cạnh tranh của mình ở lĩnh vực này khá thấp, Nhi quyết định từ bỏ số tiền đã đặt cọc mua máy để rẽ sang hướng khác.

Từng có kinh nghiệm hơn hai năm làm Tổng quản lý của một nhà hàng quán bar Nhật từ khi còn là sinh viên. Cô gái trẻ Phạm Thị Yến Nhi một lần nữa dấn thân vào con đường lắm chông gai và thách thức. Song, ở lần trở lại này, cô sẽ giữ vị thế mới, vị thế của một thuyền trưởng đầy bản lĩnh và tài năng.

Bước ra khỏi lối mòn

Nghĩ là làm. Ngày 07/6/2013, Công ty TNHH mTV Thương mại – Dịch vụ mầm Trúc (Tanabata) chính thức ra đời. Một mô hình bar Nhật khá mới mẻ tại khu vực Đông Nam Á, hướng tới những du khách là người nước ngoài hiện sinh sống và làm việc tại Việt Nam, mà chủ yếu là người Nhật Bản. Sẽ không ngoa khi nói rằng, Tanabata chính là quê hương thứ hai của những người con xứ sở Hoa Anh Đào trên đất Việt!

Rút kinh nghiệm từ chiến lược kinh doanh của ông chủ trước đây, lần này Nhi chú trọng hơn đến sự hài hòa giữa hai yếu tố văn hóa Việt – Nhật để không chỉ vừa thu hút được đúng đối tượng khách hàng mà thông qua đó còn góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh, văn hóa của đất nước mình.

Vấp ngã đầu đời

Việc kinh doanh trong một năm đầu, với Nhi phải nói là vô cùng thuận lợi. Bạn có thể hình dung hai chữ “thuận lợi” ấy qua việc mỗi ngày có hàng trăm khách hàng đến quán phải xếp hàng chờ dài đến tận cửa ra vào. Một hình ảnh hiếm khi bắt gặp được ở một quán bar khác trước đó. Nhân viên lại rất thạo việc và tận tụy.

Thế nhưng câu nói “Ngựa non háu đá” đã ứng nghiệm đúng vào Nhi. Là một người còn quá trẻ, mới chập chững bước vào thương trường, lại sớm thành công, Nhi gần như mất kiểm soát trong việc quản lý đồng tiền. Để rồi khi tình huống xấu xảy ra, cô không hề có lấy một ngân sách dự trù nào. Cô kể, ngày ấy khi nhận thấy tiềm năng quá lớn của mô hình kinh doanh bar Nhật mà Tanabata đang vận hành, rất nhiều đối thủ cạnh tranh đã sao chép và ra sức lôi kéo nhân viên của cô. Sự kiện 9/11 nhân viên đồng loạt xin nghỉ không lâu sau đó khiến Nhi bàng hoàng. “Tàn nhẫn” hơn khi sự việc này xảy ra trước ngày sinh nhật lần thứ 24 của cô chỉ ít ngày.

Cơ duyên “định mệnh”

Sốc và suy sụp thực sự. Đến tháng thứ ba, không thể cầm cự thêm, cô xin phép mẹ dùng toàn bộ số tiền kinh doanh còn lại đi làm từ thiện rồi đóng cửa quán ngay sau đó. Được sự ủng hộ của mẹ, Nhi cùng ba người bạn lên đường sang Phillippines – quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn bão Hải Yến (11/2013) – một trong những cơn bão lớn nhất lịch sử nhân loại với con số thiệt hại hơn hàng chục ngàn người. Với con số 50 triệu đồng, Nhi đã mua một số nhu yếu phẩm cần thiết để gửi tặng cho những đứa trẻ vùng bão ở đó. Và rồi chính hình ảnh lũ trẻ ôm khư khư đôi dép lào trên tay, khiến Nhi xúc động. Không chấp nhận “nỗi thống khổ” vô lý khi chỉ với 1 USD (tương đương với giá trị của một đôi dép lào) có thể khiến nhiều người vui sướng đến vậy, còn bản thân mình lại cảm thấy khổ sở dẫu đang sở hữu biết bao lần con số 1 USD đó; Nhi hạ quyết tâm sẽ vực dậy công ty, đi đến cùng với niềm đam mê, cho dù chỉ còn lại một mình.

Có thể nói, chuyến đi cứu trợ cho người dân Phillippines lần đó là cơ duyên định mệnh trong cuộc đời và sự nghiệp của Nhi. Nó đã làm thay đổi hoàn toàn từ một Yến Nhi háu thắng, vị kỷ trở thành một cô gái điềm tĩnh, trưởng thành và giàu lòng yêu thương.

Quy tắc 1 USD

Trở về sau chuyến từ thiện, Yến Nhi bắt đầu nhận thức được giá trị đồng tiền và thay đổi hẳn chiến lược kinh doanh. Cô không còn đặt nặng vấn đề sẽ thu về được bao nhiêu lợi nhuận mà tâm niệm rằng: “Chỉ cần doanh nghiệp có lãi 1 USD thì mình sẽ đi tiếp”. Nếu 1 USD không thể làm cho cô hạnh phúc thì cô sẵn sàng chuyển nhượng nó cho những ai đang cần đến và khiến họ có được niềm hạnh phúc ấy. Bởi Nhi hiểu rằng, “Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm”. Đây cũng chính là động lực lớn nhất khiến Nhi “vững tay chèo” cho đến ngày hôm nay.

Lùi một bước để tiến mười bước

Nhi bắt đầu nghiên cứu kỹ hơn về thị trường và đối thủ cạnh tranh. Cô cũng xác định, đối với ngành kinh doanh mang tính chất dịch vụ như doanh nghiệp mình thì yếu tố nhân sự có tính quyết định rất lớn. Từ đó, Yến Nhi thường xuyên nhờ đến sự tư vấn của các chuyên gia và liên tục mở các khóa đào tạo về kỹ năng giao tiếp, chuyên môn nghiệp vụ cho toàn thể nhân viên công ty. Bên cạnh đó, nữ CEO trẻ còn tổ chức các buổi dã ngoại, xây dựng team building để giúp các nhân sự gắn bó và đoàn kết với nhau.

Ngay sau đó, cô mở rộng hệ thống thành 3 quán. Và sau hơn 5 năm nỗ lực bền bỉ, Tanabata đã sở hữu 21 quán bar Nhật trải dài từ Nam ra Bắc (Hà Nội, Tp. HCM, Đà Nẵng, Bình Dương), và thậm chí còn phát triển sang cả các nước láng giềng tại Cambodia và Malaysia.

Lựa chọn khởi đầu sự nghiệp với mô hình kinh doanh theo hướng “thị trường ngách”, nữ CEO 9X chẳng những là người tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh quán bar theo phong cách Nhật – Việt mà còn góp phần thổi một làn gió mới vào thị trường vui chơi, giải trí lành mạnh của nước nhà những năm gần đây.

ĐÀO LÊ

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here