Trang chủ Tin tức Pháp luật Giao ban trực tuyến giữa Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo...

Giao ban trực tuyến giữa Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố

DNĐVSáng 26/11, dưới sự chủ trì và điều hành của Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Đàm Thanh Thế, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với  cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trên cả nước để triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, trong đó triển khai một số nhiệm vụ trong dịp Tết Nguyên đán năm 2021.

Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Đàm Thanh Thế phát biểu tại hội nghị giao ban.

Tham dự hội nghị giao ban trực tuyến có đại diện: Vụ I Văn phòng Chính phủ; Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng; Cục An ninh kinh tế- Bộ Công an, Bộ tư lệnh cảnh sát biển; Tổng cục Quản lý thị trường; Tổng cục Hải quan; Tổng cục Thuế và toàn thể lãnh đạo và các chuyên viên văn phòng 389.

Phát biểu khai mạc hội nghị giao ban, Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia- Đàm Thanh Thế nhấn mạnh, với mong muốn áp dụng tối ưu hóa công nghệ thông tin trong việc kết nối, trao đổi thông tin và  hoạt động triển khai điều hành công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đồng thời mong muốn nắm bắt các kiến nghị, đề xuất khó khăn vướng mắc của địa phương trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, để tham mưu hiệu quả cho lãnh đạo Ban trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên toàn quốc, Hôm nay Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức giao ban trực tuyến với các cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Trong 10 tháng qua, dịch Covid – 19 xuất hiện đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế – xã hội cả nước, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng thay đổi phương thức, thủ đoạn, mặt hàng trên các tuyến, địa bàn, lĩnh vực.

Trong bối cảnh phải tập trung phòng chống dịch bệnh Covid-19, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã kiểm tra chặt chẽ các tuyến biên giới nhằm làm tốt công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Nhờ vậy, số vụ việc vi phạm, số nộp ngân sách nhà nước, số vụ khởi tố đều giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Tính đến thời điểm này, các lực lượng chức nằn thuộc Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã bắt giữ, xử lý 201.484 vụ vi phạm về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2019). Qua đó, các lực lượng chức năng đã xử phạt và nộp ngân sách nhà nước 20.065 tỷ đồng (giảm 21,5% so với cùng kỳ năm 2019). Về xử lý hình sự, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã khởi tố 1.766 vụ việc với 2.254 đối tượng.

Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia nhấn mạnh, thành tích nêu trên có sự góp sức tích cực của Văn phòng thường trực và các cơ quan thường trực của các bộ, ngành và các địa phương. Kết quả này đã góp phần phát triển kinh tế, bình ổn thị trường, đảm bảo an ninh trật tự xã hội.

Toàn cảnh buổi họp trực tuyến.

Tuy nhiên, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn tiềm ẩn diễn ra hết sức phức tạp, cả về quy mô, tính chất và phạm vi. Những tồn tại này gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, đe dọa sức khỏe cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội,…

Nguyên nhân trên có yếu tố khách quan (như: địa hình biên giới phức tạp, cơ chế chính sách còn chưa đồng bộ, điều kiện, phương tiện làm việc,… chưa thực sự đáp ứng tốt yêu cầu), nhưng về cơ bản do yếu tố chủ quan, đó là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở một số đơn vị, địa phương chưa thực sự thường xuyên, quyết liệt, có lúc, có nơi buông lỏng, thiếu quan tâm, kiểm tra, đôn đốc, phối hợp lực lượng trong triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; Cùng đó, công tác tham mưu, kiểm tra, hướng dẫn của bộ phận giúp việc đó là Văn phòng thường trực và các cơ quan thường trực có nơi, có lúc còn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Vì vậy, để phát huy những ưu điểm và khắc phục những tồn tại, hạn chế Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đề nghị các ý kiến thảo luận tại hội nghị vào một số nội dung: Công tác tham mưuchỉ đạo, điều hànhkiểm trahoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; tiếp nhận, xử lý đường dây nóng; truyền thông và phổ biến pháp luật và hợp tác quốc tế; Công tác thi đua, khen thưởng; Chế độ thông tin, báo cáo. Và những vấn đề liên quan đến tổ chức và kinh phí hoạt động.

Tại hội nghị, các địa phương đã tập trung làm rõ phương thức, thủ đoạn của đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian qua. Mặc dù số lượng vụ việc vi phạm trong năm 2020 giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tính chất vụ việc phức tạp và nguy hiểm hơn, đặc biệt các đối tượng buôn bán ma túy ngày càng manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả bằng vũ khí nóng.

Các đầu cầu địa phương.

Trong công tác xử lý, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện thụ đoạn thuê dịch vụ chuyển phát nhanh vận chuyển hàng hóa vi phạm, nhưng theo quy định hiện hành thì tội này chỉ có thể xử lý lỗi “vô ý”, nên gây khó cho lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm. Cùng với đó, một số địa phương nêu những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chỉ đạo giữ ngành dọc và chỉ đạo của lãnh đạo địa phương gây ra sự chồng chéo trong chỉ đạo. Ngoài ra, một số địa phương kiến nghị Trung ương bố trí kinh phí hoạt động của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389.

Tại hội nghị, những kiến nghị, đề xuất của các địa phương cũng đã được lãnh đạo văn phòng thường trực và lãnh đạo Tổng cục Thuế, Lãnh đạo Cục C03… giải đáp theo thầm quyền. Ngoài ra, những vướng mắc khác Văn phòng thường trực sẽ tổng hợp, báo cáo các bộ, ngành chức năng để giải quyết

Kết luận hội nghị, Thiếu tướng Đàm Thanh Thế – Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia giao các địa phương tập trung triển khai kế hoạch cao điểm về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Theo đó, ban chỉ đạo 389 các tỉnh/thành phố cần tập trung kiểm soát các nhóm mặt hàng như: ma túy, pháo, hàng tiêu dùng dịp tết… để đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Thu Trang (theo BCĐ 389)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here