Trang chủ Tin tức Quốc tế Hơn 10.000 người chết vì nCoV toàn cầu

Hơn 10.000 người chết vì nCoV toàn cầu

DNĐV – Số người chết do nCoV tăng vọt ở châu Âu, nâng số ca tử vong trên toàn cầu lên 10.015 và số ca nhiễm là 244.615.

Covid-19 đã xuất hiện tại 179 quốc gia và vùng lãnh thổ trong bối cảnh các lãnh đạo thế giới giải ngân gần một nghìn tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu. Đại dịch của thế kỷ dường như đang vượt khỏi tầm kiểm soát.

Italy, vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai trên thế giới, ghi nhận thêm 5.322 ca nhiễm mới và 427 ca tử vong, nâng số ca nhiễm lên 41.035 và số người chết lên 3.405. Tỷ lệ tử vong là 8,3%, cao gấp đôi tỷ lệ trung bình toàn cầu là 4,1%, chủ yếu do Italy có dân số già nhất châu Âu.

Các chuyên gia y tế Trung Quốc tới hỗ trợ Italy đối phó dịch cho rằng biện pháp phong tỏa tại vùng Lombardy, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, chưa đủ quyết liệt. Giao thông công cộng vẫn hoạt động, người dân đi lại, ăn tối, tiệc tùng trong khách sạn và không đeo khẩu trang.

Nhân viên y tế Italy an ủi đồng nghiệp tại bệnh viện ở thành phố Cremona, vùng Lombary, nơi đang điều trị cho các bệnh nhiễm nCoV hôm 19/3. Ảnh: Paolo Miranda/Instagram.

Nhân viên y tế Italy an ủi đồng nghiệp tại bệnh viện ở vùng Lombardy hôm 19/3. Ảnh: Paolo Miranda/Instagram.

Tây Ban Nha là vùng dịch lớn thứ hai châu Âu với 3.308 ca nhiễm mới, đưa số ca nhiễm lên 18.077. Nước này cũng ghi nhận thêm 193 trường hợp tử vong, đưa số người chết lên 831. Chính phủ Tây Ban Nha đã ra lệnh đóng cửa toàn bộ khách sạn, nhà nghỉ trong 7 ngày để ngăn Covid-19 lây lan. Những điểm lưu trú lâu dài có thể vẫn mở cửa.

Đức và Pháp lần lượt xuất hiện số ca nhiễm mới là 2.993 và 1.861, nâng số trường hợp dương tính nCoV tại hai nước lên 15.320 và 10.995. Hai nước cũng ghi nhận thêm 193 và 108 người chết, nâng số ca tử vong lên 44 và 372.

Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo Đức đang đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ sau Thế chiến II khi bước vào cuộc chiến chống Covid-19, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 17/3 yêu cầu toàn bộ người dân phải ở trong nhà trong ít nhất 15 ngày. Bất cứ ai ra ngoài đều phải cung cấp lý do chính đáng và 100.000 nhân viên thực thi pháp luật sẽ thực hiện nhiệm vụ giám sát.

Iran tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai ở châu Á, sau Trung Quốc đại lục với 1.046 ca nhiễm mới, đưa số ca nhiễm lên 18.407. Thêm 149 người chết do đại dịch, nâng số ca tử vong lên 1.284.

Bộ Y tế Iran hôm qua cho biết cứ sau 10 phút lại có một người Iran chết do nCoV và sau mỗi giờ, thêm 50 người Iran nhiễm dịch bệnh này. Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã ra lệnh đóng cửa tất cả các trung tâm mua sắm và chợ, ngoại trừ những cơ sở thiết yếu như nhà thuốc và cửa hàng tạp hóa trong 15 ngày, bắt đầu từ 21/3.

Tại Mỹ, thêm 4.412 ca nhiễm mới được xác định, nâng số ca nhiễm trên cả nước lên 13.671, trong đó 191 người đã chết. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định hủy hội nghị thượng đỉnh G7 tại Trại David dự kiến diễn ra vào tháng 6. Thay vào đó, sự kiện sẽ được tổ chức bằng cầu truyền hình để “mỗi quốc gia tập trung tất cả nguồn lực đối phó Covid-19”.

Hàn Quốc và Trung Quốc chưa công bố số liệu mới. Hàn Quốc hôm qua ghi nhận 152 ca nhiễm mới, mức tăng trở lại trên 100 sau một tuần giảm liên tục, nâng số ca nhiễm tại nước này lên 8.565, trong khi 91 người đã chết, chủ yếu là bệnh nhân cao tuổi có bệnh lý nền. Giới chức Hàn Quốc đang cảnh giác cao độ khi ngày càng nhiều cụm dịch được phát hiện.

Trung Quốc hôm qua lần đầu tiên không xuất hiện ca nhiễm mới nội địa kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 1, song có tới 34 ca nhiễm “ngoại nhập”. Điều này đánh dấu mốc quan trọng trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh ở Trung Quốc.

Tại Đông Nam Á, Malaysia ghi nhận số ca nhiễm lớn nhất với 900 trường hợp, trong đó hai người đã chết. Indonesia ghi nhận số ca tử vong lớn nhất với 25 trường hợp, Philippines đứng thứ hai với 17 trường hợp. Các nước Singapore, Thái Lan, Singapore, Philippines lần lượt ghi nhận 345, 272, 217 ca nhiễm. Lào là nước duy nhất tại Đông Nam Á chưa xuất hiện ca nhiễm nCoV nào.

Bất chấp Covid-19 diễn biến phức tạp, hàng nghìn người hành hương Hồi giáo khắp châu Á vẫn đổ về Gowa, tỉnh Nam Sulawesi, Indonesia để dự sự kiện diễn ra ngày 19-22/3. Trước đó, sự kiện tương tự ở Malaysia đã dẫn đến hơn 500 người nhiễm nCoV.

Thế giới hiện ghi nhận 244.615 ca nhiễm, 10.015 ca tử vong và 87.407 người đã bình phục. Các quốc gia và vùng lãnh thổ mới ghi nhận ca nhiễm đầu tiên là ChadEl SalvadorFijiNicaragua, Niger và Isle of Man.

“Nếu chúng ta để virus lây lan như cháy rừng, đặc biệt là ở những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, nó sẽ giết chết hàng triệu người”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo hôm 19/3.

Bản đồ Covid-19 trên thế giới. Bấm vào hình để xem chi tiết.

Bản đồ Covid-19 trên thế giới. Bấm vào hình để xem chi tiết.

HUYỀN LÊ (Theo AFPCNNWorldometer)

 

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here