Trang chủ Tin tức Quốc tế Hơn 63,5 triệu ca nCoV toàn cầu, WHO hứa tìm nguồn gốc...

Hơn 63,5 triệu ca nCoV toàn cầu, WHO hứa tìm nguồn gốc Covid-19

DNĐVToàn cầu ghi nhận hơn 63,5 triệu người nhiễm nCoV, trong đó 1,4 triệu người đã chết, WHO cam kết “làm mọi thứ” để tìm ra nguồn gốc Covid-19.

Thế giới ghi nhận 63.538.136 ca nhiễm và 1.472.826 người đã tử vong do nCoV, tăng lần lượt 494.070 và 8.102 ca chỉ trong một ngày, 43.924.965 người đã bình phục, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 157.551 ca nhiễm và 1.099 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm lên 13.897.033, trong đó 274.134 người đã chết. Một số bang và thành phố của Mỹ đã ban hành lệnh giới nghiêm ban đêm với hy vọng ngăn chặn nCoV lây nhiễm tại các quán bar, bữa tiệc và các sự kiện về đêm khác.

Tiến sĩ Celine Gounder, thành viên nhóm cố vấn chống Covid-19 của Tổng thống đắc cử Joe Biden, dự đoán số ca nhiễm, nhập viện và tử vong sẽ tăng mạnh trong vài tuần tới, sau khi hàng triệu người Mỹ tăng cường đi lại, tụ tập trong các dịp lễ cuối năm.

Tổng giám đốc WHO trong cuộc họp tại Geneva hồi tháng 10. Ảnh: Reuters.

Tổng giám đốc WHO trong cuộc họp tại Geneva hồi tháng 10. Ảnh: Reuters.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 30.664 ca nhiễm và 472 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 9.462.739 và 137.649.

Trong khi các khu vực khác ở Ấn Độ đã giảm đáng kể ca nhiễm mới từ đỉnh dịch giữa tháng 9, thủ đô 20 triệu dân đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch. Nhiều bệnh viện tại New Delhi đã rơi vào tình trạng quá tải. Tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng tại thành phố New Delhi, khiến nhiều bệnh viện quá tải. Giới chức New Delhi tăng gấp 4 lần tiền phạt với người không đeo khẩu trang, lên 2.000 rupee (27 USD).

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 272 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 173.120. Số người nhiễm nCoV tăng 21.138 trong 24 giờ qua, lên 6.335.878.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ lo ngại về số ca nhiễm mới và tử vong tăng vọt tại Brazil trong những tuần gần đây, cho ra tình hình tại nước này “rất đáng lo”. Số ca nhiễm mới trung bình đã tăng từ 10.000 ca/ngày hồi đầu tháng 11 lên hơn 50.000/ngày, trong khi số người chết mỗi ngày đã tăng gấp gần 9 lần chỉ trong một tuần.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tuyên bố sẽ không tiêm vaccine Covid-19, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nhiều người ủng hộ ông cũng làm điều tương tự, khiến Brazil không đủ tỷ lệ dân số tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng.

Pháp, vùng dịch lớn thứ 5 thế giới, báo cáo 2.222.488 ca nhiễm và 52.731 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 4.005 và 406 ca.

Những cửa hàng không thiết yếu tại Pháp đã được mở cửa trở lại từ ngày 28/11 và các hoạt động tôn giáo trong nhà cũng được phép tổ chức trở lại, nhưng tín đồ chỉ được tập trung dưới 30 người bất kể quy mô của nhà thờ. Các tổ chức Công giáo đã phản đối biện pháp hạn chế, cho rằng nhà thờ và thánh đường rộng rãi hơn nhiều so với các cửa hàng bán lẻ, nơi có giới hạn tụ tập là một người/8 mét vuông.

Anh báo cáo thêm 12,330 ca nhiễm và 205 người chết, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.629.657 và 58.448. Chính phủ Anh tái phong tỏa toàn quốc từ ngày 31/10, áp đặt một trong những lệnh hạn chế nghiêm ngặt nhất tại nước này từ sau Thế chiến II.

Cảnh sát London cuối tuần qua đã bắt hơn 150 người tham gia biểu tình chống phong tỏa và phản đối vaccine Covid-19. Lệnh phong tỏa ở Anh dự kiến kết thúc ngày 2/12.

Đức ghi nhận 14.156 ca nhiễm và 329 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 1.069.763 và 16.862. Giới chức Đức nhận định số ca nhiễm hàng ngày còn ở mức cao và lo ngại tình trạng quá tải tại các khu điều trị tích cực của nhiều bệnh viện.

Dân Đức không bị giới hạn trong nhà từ 2/11 đến 20/12, nhưng được yêu cầu tránh tất cả hoạt động đi lại không cần thiết, chỉ cho phép lưu trú qua đêm vì “mục đích phi du lịch”. Trường học và các cửa hàng vẫn được mở cửa, nhưng tất cả nhà hàng, quán bar, nhà hát và rạp chiếu phim phải đóng cửa.

Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 26.338 ca nhiễm nCoV và 368 người chết trong vòng 24 giờ, nâng tổng số lên lần lượt 2.295.654 và 39.895.

Điện Kremlin cho biết hệ thống y tế của nước này đang chịu áp lực lớn, nhưng tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát ngoại trừ một số khu vực. Nga không áp đặt biện pháp phong tỏa toàn quốc mà tập trung vào các biện pháp hạn chế theo từng khu vực.

Iran, một trong những vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 48.264 người chết, tăng 371, trong tổng số 962.070 ca nhiễm, tăng 13.321. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV ở Iran có xu hướng tăng mạnh kể từ đầu tháng 9, với tình trạng gia tăng được báo cáo tại gần như toàn bộ 31 tỉnh.

Giới chức Iran thừa nhận số liệu chính thức dường như thấp hơn so với mức độ nghiêm trọng của đại dịch ở nước này. Từ 21/11, Iran áp đặt hạn chế chống dịch mới, bao gồm đóng cửa các hộ kinh doanh và dịch vụ không thiết yếu tại thủ đô Tehran và khoảng 160 thành phố và thị trấn được xác định nguy cơ ở mức “đỏ”.

Sau một thời gian ổn định, Hàn Quốc đang đương đầu làn sóng Covid-19 thứ ba khi ca nhiễm mới hàng ngày liên tục tăng mạnh. Nước này báo cáo thêm 377 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 34.201, trong đó 526 trường hợp tử vong, tăng 3 ca.

Giới chức Hàn Quốc hôm 29/11 cho biết Thủ tướng Chung Sye-kyun sẽ thảo luận với các quan chức y tế về áp dụng biện pháp giãn cách xã hội chặt chẽ hơn để ngăn Covid-19.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 538.883 ca nhiễm, tăng 4.617, trong đó 16.945 người chết, tăng 130.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo hồi giữa tháng 11 thông báo nước này dự định tiêm chủng hàng loạt cho nhân viên y tế và các nhân viên trên tuyến đầu khác từ tháng 12, nhằm kiềm chế dịch bệnh và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Indonesia sẽ sử dụng một số loại vaccine Covid-19 tiềm tăng như Sinovac của Trung Quốc.

Philippines báo cáo 431.630 ca nhiễm và 8.392 ca tử vong, tăng lần lượt 1.773 và 19 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực. Quốc gia này đã ký hợp đồng mua 2,6 triệu liều vaccine Covid-19 do Đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca hợp tác nghiên cứu sản xuất.

Chính phủ Philippines trước đó từng đàm phán với một số nhà sản xuất vaccine Covid-19 tiềm năng, đến từ Mỹ, Nga và Trung Quốc. Tổng thống Philippines Duterte hồi tháng 9 cho biết sẽ ưu tiên mua vaccine Covid-19 do Nga và Trung Quốc sản xuất, bởi họ không yêu cầu tiền đặt trước.

Tổng giám đốc WHO khẳng định sẽ làm mọi thứ có thể để tìm ra nguồn gốc động vật của Covid-19, cho rằng kiến thức về nó là chìa khóa để ngăn những đại dịch trong tương lai. “Chúng tôi muốn biết nguồn gốc và chúng tôi sẽ làm mọi thứ để tìm ra nó”, ông Tedros nói và kêu gọi ngừng “chính trị hóa” việc WHO tìm sự trợ giúp của Trung Quốc cho cuộc điều tra Covid-19.

Vũ Anh (Theo Reuters)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here