Trang chủ Tin tức Kinh tế Kiến nghị hạn chế quyền ra thông tư của các bộ

Kiến nghị hạn chế quyền ra thông tư của các bộ

DNĐV Phải có cơ chế hạn chế các bộ ban hành thông tư để bảo đảm hệ thống pháp luật minh bạch, dễ tiên đoán.

Phát biểu tại hội thảo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2019” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 26-12, TS Nguyễn Đình Cung đặc biệt chú ý đến việc kiểm soát quyền của các bộ.

Ông Cung nhắc lại Thủ tướng ngay đầu nhiệm kỳ đã lắng nghe các doanh nghiệp, chuyên gia, các cơ quan độc lập, trên cơ sở đó lệnh rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, tháo gỡ các nút thắt, giải quyết các xung đột pháp luật.  “Nhân sự kiện này, chúng ta nên nói với Thủ tướng rằng: việc chồng chéo pháp luật, xung đột pháp luật đã có từ lâu rồi, nên việc khắc phục, tháo gỡ phải được tiến hành có hệ thống” – ông Cung đề nghị.

Để hạn chế những bất cập của pháp luật, ông Cung cho rằng cần phải “hạn chế được quyền của các bộ”. Cho dù là khó khăn thì cũng phải xây dựng cơ chế chỉ rõ trường hợp nào thì bộ được ban hành thông tư.

Kiến nghị hạn chế quyền ra thông tư của các bộ - ảnh 1TS Nguyễn Đình Cung cho rằng sau khi đã thành công trong việc kiểm soát chặt việc ban hành nghị định thì đã đến lúc hạn chế các bộ ban hành thông tư. Ảnh: CHÂN LUẬN

Thực tế, Quốc hội đã quy định khá chặt và Chính phủ đã có cơ chế để kiểm soát việc ban hành nghị định. Tuy nhiên, tình trạng cấp bộ ban hành mỗi năm mấy trăm thông tư và sửa đổi bất cứ lúc nào tiếp tục ảnh hưởng tới tính minh bạch, khó đoán định của hệ thống pháp luật. Thông tư nhiều thì thủ tục nhiều và chi phí tuân thủ tăng cao. Nghiêm trọng hơn, các văn bản dưới nghị định ấy còn tạo ra rủi ro thể chế cho cộng đồng doanh nghiệp.

Điểm lại nỗ lực của Chính phủ thời Thủ tướng Phan Văn Khải, từ năm 2003 đã nhận ra những mâu thuẫn, chồng chéo, xung đột trong hệ thống pháp luật và bắt đầu cải cách, ông Cung cho biết các địa phương cũng nhiệt tình cải cách cho tới năm 2009. “Thời đó, các địa phương rất hăng hái thực hiện cải cách vì cần thu hút đầu tư để phát triển. Thế nhưng càng về sau, sự chồng chéo lại càng tăng và tinh thần cải cách, sáng tạo từ địa phương thì giảm đi” – ông Cung nhớ lại.

“Vậy phải sửa thế nào?” – ông Cung đặt vấn đề và đồng thời nêu giải pháp – “Chúng tôi đã kiến nghị Thủ tướng thành lập tổ đặc nhiệm, giao ít nhất một Phó Thủ tướng phụ trách, nếu Thủ tướng chỉ đạo trực tiếp thì càng tốt. Tổ đặc nhiệm sẽ rà soát và đề xuất sửa đổi đồng bộ các luật, chứ không giao về các bộ tự làm nữa”.

Lý do lập tổ đặc nhiệm là nếu để mỗi bộ tự chủ trì sửa luật của mình thì sẽ bị chi phối bởi lợi ích cục bộ, góc nhìn của ngành. Nhất là lĩnh vực đất đai, đầu tư, môi trường… rất phức tạp và quyền lợi rất lớn. Lợi ích lớn mà quản lý lại cục bộ thì rất khó cải cách.

CHÂN LUẬN (theo Plo)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here