Trang chủ Tự giới thiệu Kỹ sư Võ Thị Ngọc – Người đồng hành cùng nhà nông

Kỹ sư Võ Thị Ngọc – Người đồng hành cùng nhà nông

DNĐV – Về Vĩnh Long, đắm mình vào những đồng lúa vỗ khúc rì rào, xanh mướt tận chân mây, trầm trồ trước những vườn cây, trái sai nặng trĩu, mới hiểu vì sao con người nơi đây đôn hậu và hào sản đến thế. Như dòng sông Tiền, sông Hậu quanh năm vỗ nhịp, mang phù sa bồi đắp mênh mông, mỗi người con của quê hương Vĩnh Long góp cho xứ sở mình một chút thảo thơm của lòng tận tụy. Trong đó, tiêu biểu có kỹ sư nông nghiệp Võ Thị Ngọc – Giám đốc Công ty Lương thực Master Ruma, người nghiên cứu thành công giống lúa trắng sữa và lúa tím than MS2019 Master Ruma phù hợp với thổ nhưỡng ở Việt Nam.

Sinh ra từ làng

Xuất thân trong một gia đình thuần nông ở xứ miệt vườn, tuổi thơ của chị Võ Thị Ngọc gắn liền với những ngày rong ruỗi cùng đám bạn trên những cánh đồng, lặn ngụp giữa bát ngát mùa xanh để hít tràn lồng ngực hương sữa thơm của lúa lên đòng.

Có lẽ, trong kí ức đẹp tươi của bất kì đứa trẻ miền quê nào cũng điều miên mang nhớ cánh cò trắng phau, dập dìu bay trên đồng lúa chín, chẳng thể nào quên mùi rạ rơm quyện với mùi bùn đất và mùi khói lam chiều. Để rồi, khi lớn lên, họ biết thương những giọt mồ hôi ướt đẫm đôi vai gánh lúa về nặng trĩu, nhớ người nông dân quanh năm một nắng hai sương vẫn vương vương trên môi nụ cười. Là một người con của miền Tây, chị Ngọc cũng thế, càng tha thiết yêu những mùa vàng và gắn bó sâu nặng với người dân thật thà, chất phát, càng thôi thúc chị đặt ra mục tiêu: sống, cống hiến và khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương.

Bằng tình yêu quê hương, nỗi trăn trở làm sao để giúp người nông dân bớt vất vả hơn nhưng vẫn đạt năng suất lúa cao, đã  thôi thúc chị chọn lĩnh vực nông nghiệp khi bước chân vào giảng đường trường Đại học Cần Thơ. Suốt những năm miệt mài đèn sách, bằng ý chí và nghị lực phi thường, cùng quyết tâm phải tìm ra đường hướng mới cho nhà nông, ngoài giờ lên lớp, tự nghiên cứu lý thuyết sách vở, chị Võ Thị Ngọc còn tự mình tìm đến những cách đồng, vừa để khảo sát thực tiễn, vừa để nghe chia sẻ của bà con. May mắn nhận được sự chỉ dẫn, giúp đỡ đầy nhiệt huyết từ anh trai, chị kiên trì theo đuổi đam mê, quyết tâm vạch ra một lối đi mới cho bà con, trồng giống lúa sinh học hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng và thương hiệu gạo nội địa. Đặt mục tiêu phải nghiên cứu ra giống lúa thơm để Việt Nam sánh vai với thị trường lúa gạo thế giới.

Những giống lúa mới đầy triển vọng

Trời không phụ lòng người, sau nhiều năm miệt mài trong phòng thí nghiệm, ướt đẫm mồ hôi trên những cánh đồng, chị đã thu về trái ngọt đầu tiên. Giống lúa mới mang tên: Lúa MS2019 Master Ruma tím than mà chị dày công nghiên cứu bước đầu đã thu về nhiều thành quả, được bà con nông dân đánh giá cao. Qua hai vụ sản xuất khảo nghiệm trên 35 ha tại HTX Nông nghiệp Làng hữu cơ Hiếu Thuận (xã Hiếu Thuận, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) giống lúa này cho thấy khả năng thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên của địa phương, bộ rễ ăn sâu, lan rộng, cây lúa mập, cứng, bông lớn, tỷ lệ chắc vô tới cậy, năng suất tương đương với các loại lúa truyền thống, mặc dù được canh tác theo quy trình hữu cơ.

“Hàm lượng Omega được các Trung tâm kiểm nghiệm kiểm tra thấy rất đạt. Khả năng kháng bệnh của giống rất tốt. Lá thẳng, cây cứng. Côn trùng, sâu bệnh tấn công rất ít. Với vụ hè thu này, bà con ước tính thu đạt từ 6,5-7,5 tấn/ha”.

Nói về nguồn gốc của giống lúa MS2019 Master Ruma, chị cho biết: “Giống lúa này tôi được một vị sư cho đưa về Việt Nam. Tôi trồng ba vụ để chọn lọc tự nhiên thành một bộ giống mới phù hợp với thổ nhưỡng bên mình. Hiện nay, giống lúa tím này của Công ty Lương thực Master Ruma đã đăng ký vào danh mục các giống mới đang khảo nghiệm tại Việt Nam của Cục Trồng trọt”.

Theo kỹ sư Võ Thị Ngọc, giống lúa tím than là loại lúa thảo dược có chứa nhiều vitamin và khoáng chất, nhất là hàm lượng Omega trong hạt gạo.

Bên cạnh giống lúa MS2019 Master Ruma tím than, Công ty Lương thực Master Ruma còn đăng ký khảo nghiệm thêm giống lúa MS 2019 Master Ruma trắng sữa với ba đặc tính: giống có mùi thơm, gạo dẻo khô ngon, nấu cơm để lâu thiu, trong hạt gạo có mầm sữa non, hàm lượng dinh dưỡng rất cao.

Không chỉ giàu hàm lượng dinh dưỡng, giống lúa MS2019 Master Ruma còn ít bị sâu bệnh, khả năng chống chịu với đạo ôn khá tốt. Ông Lê Văn Sơn – Giám đốc HTX Nông nghiệp Làng hữu cơ Hiếu Thuận chia sẻ: “Đối với vấn đề chống chịu sâu bệnh thì theo tôi, giống nào cũng có thể bị bệnh, tùy vào kỹ thuật canh tác. Vì vậy, cân đối bón phân hợp lý là biện pháp hữu hiệu phòng bệnh. Riêng đối với giống lúa tím này thì kháng đạo ôn rất cao, lúa cứng cây, lá đứng, đạo ôn không đáng kể, dù chúng tôi không sử dụng thuốc phòng ngừa”.

Đánh giá về năng suất và sản lượng lúa MS2019 Master Ruma, ông Sơn cho biết: “Vụ đầu tiên là vụ thu đông 2019, năng suất đạt 5 tấn/ha, các giống bên ngoài cũng tương đương cỡ đó chứ không hơn bao nhiêu. Vụ thứ hai, vụ đông xuân 2019-2020 thì năng suất đạt khoảng 7 tấn/ha. Vụ hè thu này năng suất ước đạt trên 6 tấn/ha”. Cũng theo ông Sơn, ở vụ hè thu, bà con nông dân ở Vĩnh Long gieo sạ trên 48.000 ha lúa. Đây là vụ mưa nhiều nên cây lúa rất dễ đổ ngã. Ước tính của ngành nông nghiệp Vĩnh Long, toàn tỉnh có hơn 2.700 ha lúa hè thu bị đổ ngã do mưa bão. Tuy nhiên, giống lúa tím do kỹ sư Võ Thị Ngọc chọn tạo không hề hấn gì, mặc dù cây cao nhưng rất cứng cáp.

Giống lúa mới hứa hẹn triển vọng thay đổi diện mạo vùng quê nghèo bằng năng xuất và giá trị kinh tế cao được bà con nông dân phấn khởi đón nhận, ngoài là niềm vui, còn là phần thưởng xứng đáng cho kỹ sư Võ Thị Ngọc và toàn thể nhân viên công ty Lương thực Master Ruma. Bởi lẽ, ít ai biết được rằng, để đưa đến hạt giống đạt chất lượng tốt nhất, chị Ngọc đã phải đánh đổi rất nhiều thời gian và công sức, có mồ hôi và cả nước mắt, có hi vọng nhen nhóm và cả thất vọng tràn trề, rất nhiều lần thử nghiệm thất bại để có được thành công. Vượt lên trên tất cả những rủi ro, thách thức, ngoài ý chí và nghị lực để không khuất phục trước khó khăn, còn là sự liều lĩnh, giám nghĩ giám làm.

Từ trong quá trình nghiên cứu gian khổ tưởng như có thể đánh gục chị bất cứ lúc nào, kỹ sư Võ Thị Ngọc đã tôi luyện cho mình bản lĩnh thép để không từ bỏ giấc mơ mà chị hằng theo đuổi.

Như mầm xanh được gieo vào đất tốt, lớn lên bằng sự chắt chiu tinh túy của đất trời, dù có trải qua mưa giăng gió dập vẫn hiên ngang đứng vững, ấp ôm trong mình những hạt ngọc thảo thơm, chị là đại diện tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới, giỏi việc nước – đảm việc nhà. Và khác với nghề nghiệp kỹ sư tưởng chừng như khô khan, chị niềm nở, chan hòa, xởi lởi nhưng vô cùng chất phát. Một nữ giám đốc sẵn sàng xắn quần lội ruộng, sống giản dị và bình tâm, luôn lắng nghe, chia sẻ những khó khăn của nhà nông, chính những đức tính tốt này đã giúp chị gần gũi và được nhiều bà con yêu mến, tin tưởng chọn làm người đồng hành trên con đường phát triển một nền nông nghiệp bền vững.

Thành quả được đón nhận

Bên cạnh việc đưa vào thử nghiệm thành công giống lúa mới chị Ngọc còn thấu hiểu được nỗi lo toan của bà con nông dân về đầu ra cho sản phẩm. Để nhà nông yên tâm tăng gia sản xuất và đảm bảo hiệu quả kinh tế, cùng với việc khuyến khích họ chuyển dần việc canh tác sang hướng hữu cơ vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa tạo ra loại gạo sạch, giàu chất dinh dưỡng cung cấp cho thị trường, ngay từ những đợt đầu thử nghiệm, chị và Công ty Lương thực Master Ruma đã đưa ra phương án: toàn bộ lúa bà con sản xuất ra đều được công ty bao tiêu. Đối với lúa thường sản xuất theo quy trình hữu cơ được công ty thu mua với giá 7.000 đồng/kg. Riêng lúa tím than MS2019 Master Ruma được bao tiêu với giá 9.000 đồng/kg, vụ đông xuân vừa rồi được bao tiêu với giá 10.000 đồng/kg.

Ông Lê Văn Trưởng, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Làng hữu cơ Hiếu Thuận cho biết: “Về đầu ra, tôi thấy bà con sản xuất ra bao nhiêu cũng được tiêu thụ hết. Loại gạo này, bây giờ rất được thị trường ưa chuộng. Vụ nào công ty cũng thu mua toàn bộ sản lượng”.

Ông Trưởng cho biết thêm, vừa qua, mỗi héc-ta lúa MS2019 Master Ruma, bà con bán được 70 triệu đồng. Trừ hết các chi phí, lợi nhuận gần 50 triệu đồng, gấp 3 lần giống lúa thông thường.

Với mong muốn hướng đến một nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững, trước hết, chị quyết tâm thay đổi nhận thức và thói quen trồng trọt của người dân. Tạo điều kiện thuận lợi nhất để bà con có thể tiếp cận với những giống lúa mới và khuyến khích họ mạnh dạn thử nghiệm. Trên cương vị là một người đồng hành, ngoài việc chuyển giao kinh nghiệm, chị còn sẵn sàng chia sẽ những khó khăn và và tháo gỡ những băn khoăn của xã viên.

Mô hình sản suất lúa tím MS2019 Master Ruma theo quy trình hữu cơ tại HTX Nông nghiệp Làng hữu cơ Hiếu Thuận theo chuỗi liên kết giá trị được xây dựng từ năm 2019. Mô hình góp phần phát triển bền vững sản xuất lúa tại xã Hiếu Thuận. Riêng giống lúa MS2019 Master Ruma đã góp thêm một giống mới tại địa phương để người dân chọn lựa sản xuất, tăng thêm thu nhập.

Đối với kỹ sư Võ Thị Ngọc, mỗi một kết quả mà giống lúa chị dày công nghiên cứu mang về là một tín hiệu tích cực cho thấy sự cống hiến đã được đón nhận. Bà con vơi bớt một phần nặng nhọc trong công việc nhà nông, vụ mùa bội thu, kinh tế gia đình được cải thiện đáng kể là phần thưởng thiết thực nhất mà suốt hàng chục năm làm nghề, chị Ngọc muốn đón nhận.

Có công trồng cây, rồi sẽ gặt hái được quả ngọt. Sau biết bao ngày tháng nai lưng trên mảnh ruộng, đổ bao nhiêu công sức trong phòng nghiên cứu, cuối cùng cũng đã đến ngày tên chị Võ Thị Ngọc và Công ty Lương thực Master Ruma vinh dự được xướng lên trong giải thưởng tôn vinh “Thương hiệu mạnh Quốc gia” tại lễ công bố “Thương hiệu mạnh quốc gia và doanh nghiệp doanh nhân xuất sắc 2020” do Trung tâm chống hàng giả và Hội bảo vệ thương hiệu trao tặng.  Đó là bằng chứng rõ ràng nhất để chứng minh cho những nỗ lực và cố gắng không ngừng của chị, tất cả đều cống hiến cho sự phát triển của nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam.

Những tín hiệu tốt lành

Giống lúa MS2019 Master Ruma qua hai lần khảo nghiệm cho thấy khả năng thích nghi tốt với môi trường và thổ nhưỡng ở tỉnh Vĩnh Long. Tính chống chịu sâu bệnh cùng năng suất cao và giàu hàm lượng dinh dưỡng góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Bên cạnh đó, quá trình sản xuất theo lối hữu cơ hướng nền nông nghiệp đi trên con đường phát triển bền vững. Những đột phá trong việc nghiên cứu ra giống mới làm thay đổi diện mạo và toàn cảnh bức tranh của nền nông nghiệp Việt Nam. Từ đây, ta hoàn toàn có thể hi vọng, giống lúa này sẽ sớm xuất hiện trên những cánh đồng dọc dải đất hình chữ “S”, và nông sản nước nhà nói chung, cây lúa nói riêng sẽ ngày càng khẳng định lợi thế cạnh tranh trên thương trường quốc tế.

Nhìn lại chặng đường đã đi qua, những khó khăn trong quá trình khởi nghiệp khiến chị Ngọc hiểu rằng, ngoài việc chuẩn bị cho mình một ý tưởng tốt, nguồn vốn vững chắc thì cần có nhiều yếu tố khác như: kiến thức, kỹ năng và tâm lý vững vàng để không nản chí trước những thăng trầm, sóng gió. Biết lấy thất bại làm động lực để vươn lên và xem mỗi lần như thế là một lần được tiếp thu thêm nhiều bài học có giá trị. Tôi luyện bản lĩnh từ những thử thách gian truân chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhưng một khi đạt được, bạn mới có đủ khả năng để làm chủ cuộc đời mình, làm chủ một doanh nghiệp.

Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương và những tín hiệu tốt lành từ mô hình sản xuất lúa hữu cơ, kỹ sư Võ Thị Ngọc hoàn toàn có thể tin tưởng vào những bước tiến xa hơn của giống lúa MS2019 Master Ruma. Từ đây, một giá trị tinh thần to lớn được tạo ra cho sự phát triển và định hướng về thương hiệu gạo sạch Việt Nam.

Câu chuyện khởi nghiệp từ cây lúa hữu cơ của chị Ngọc được chia sẻ ngắn gọn, chị khiêm tốn chỉ nhắc đến giá trị các sản phẩm mà Công ty mang lại. Về đời tư chị xin khép lại. Chị là người ăn chay trường, sống nhẹ nhàng bình thản, một lòng hướng thiện, gom góp tình thương từ những thùng quà cứu trợ đồng bào gặp khó khăn, đến những suất học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học. Chị cứ thế mỗi ngày âm thầm mang trái tim ấm áp nghĩa tình gieo hạt giống từ tâm đi khắp muôn nơi. Rồi đây, những mầm xanh mơn mởn vươn lên, sẽ lại gom góp thảo thơm để dâng đời. Chị nói: “Tôi không muốn người ta nói nhiều về tôi, hãy nói về những hạt gạo sạch quê hương tôi thôi, đó là giá trị tôi muốn trao đi.”

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here