Trang chủ Tin tức Livestream hàng gian, hàng giả đại náo mạng xã hội

Livestream hàng gian, hàng giả đại náo mạng xã hội

DNĐVVới sự phát triển của công nghệ, tính năng phát trực tiếp (livestream) ngày càng được nhiều người bán hàng, từ cá nhân đến doanh nghiệp, tận dụng để quảng cáo và bán hàng trực tiếp với “thượng vàng hạ cám” như quần áo, giày dép đến nhà, đất…

Chủ nhân của nhiều tài khoản livestream khẳng định bán hàng "chính hãng" nhưng không trưng được bằng chứng chứng minh sản phẩm là hàng chính hãngChủ nhân của nhiều tài khoản livestream khẳng định bán hàng “chính hãng” nhưng không trưng được bằng chứng chứng minh sản phẩm là hàng chính hãng. Ảnh: Như Bình – Nguyễn Trí

Thời gian gần đây, nhiều hãng mỹ phẩm cũng lên tiếng cảnh báo hàng loạt trang Facebook và website giả mạo, với giao diện sao chép y hệt 100% trang chính hãng, được người bán hàng sử dụng để livestream rao bán sản phẩm với giá chỉ bằng 25-50% giá hàng chính hãng, thu hút nhiều người theo dõi và mua.

Livestream và… cởi áo để view tăng

Bán hàng bằng hình thức livestream không phải mới xuất hiện nhưng chỉ thực sự nở rộ trở lại và tạo được sự chú ý thời gian gần đây, khi dịch COVID-19 bùng phát, người dân ở nhà trong thời gian giãn cách xã hội đã tranh thủ xem các nội dung livestream nhiều hơn.

Một đoạn livestream bỗng dưng nhảy vào trang Facebook bất kỳ, streamer (người thực hiện livestream) thao thao bất tuyệt không ngưng nghỉ: “Nào các chị em, mua ngay đi, bộ quần áo ở nhà chuẩn và chảnh chưa từng có, đẹp từng đường chỉ, kẽ quần. Giá chỉ 40.000 đồng/bộ, mua 3 bộ còn 100.000 đồng. Để số điện thoại ngay dưới phần bình luận để mua được giá tốt, hàng được giao tận nhà ngay và luôn!”.

Chỉ sau 20 phút, khi số lượng người xem tăng dần, để chứng minh cho sự mềm mại như lụa của chiếc áo, streamer này bỗng cởi nửa ngực áo rồi chỉ vào “độ rũ” của cánh áo: “Đấy, các bạn thấy không, mềm mại như cánh hoa”… Vừa nói streamer đảo bộ áo quần liên tục, trên dãy móc 20 màu khác nhau. Đoạn livestream kết thúc sau hơn 1 giờ với gần 400 bình luận.

Sự nở rộ của hình thức bán hàng livestream này khiến nhiều người cảm thấy khó chịu vì bỗng dưng một người lạ nhảy vào trang Facebook, nói liếng thoắng, hết chỉ vào ngực, mông rồi cởi áo, chỉ mặc mỗi áo ngực ngay trước hàng trăm người xem. Tuy vậy, các tài khoản này thu hút đến hàng nghìn người, thậm chí hàng triệu người theo dõi. Mỗi lần livestream có đến hàng trăm, hàng nghìn người đặt mua.

Vào xem livestream bán quần áo của tài khoản tên N.N.C.B. trên Facebook, với lời giới thiệu rất mát tai: “Săn quần áo hàng hiệu giá từ 0-99k”, chúng tôi được nghe người bán khẳng định quần áo hàng hiệu Việt Nam xuất khẩu nhưng tồn nên xả kho với giá rẻ. Hàng chục thương hiệu được giới thiệu, với nhãn hiệu được người bán trưng ra kèm theo câu cửa miệng: “Giá gốc hơn 1 triệu đồng/cái nhưng giờ em giảm chỉ còn 99.000 đồng”.

Chỉ trong hơn 2 giờ livestream, tài khoản này thu hút đến hơn 56.000 lượt xem và gần 1.000 lượt bình luận với hàng trăm lượt mua hàng. Tương tự, tài khoản Facebook có tên Săn hàng hiệu… giá rẻ, đăng lời giới thiệu khi livestream nghe rất hấp dẫn: “Quần áo, giày của các thương hiệu nổi tiếng (CK, Puma, Tommy, Adidas…) – giảm giá sốc còn 500.000 – 760.000 đồng/sản phẩm để tăng tương tác”.

Một người xem livestream quảng cáo quần áo thời trang trên mạng - Ảnh: T.T.D.Một người xem livestream quảng cáo quần áo thời trang trên mạng – Ảnh: T.T.D.

Giá bèo nhờ “tuồn” ra từ nhà máy?

Ngày 9-7, tại trang Thth… – Việt Nam Xuất Khẩu (Hà Nội), với gần 4.000 người theo dõi, người bán vừa livestream bán giày thương hiệu Converse vừa luôn miệng khẳng định giày chính hãng nhưng giá bán chỉ hơn 195.000 đồng/đôi (chỉ bằng 1/10 giá gốc hàng chính hãng) với số lượng “bao nhiêu cũng có”.

Khi nghe hỏi về “bằng chứng” hàng chính hãng, người bán cho biết hàng được nhân viên tại nhà máy sản xuất giày chính hãng tuồn ra ngoài nên không có hóa đơn chứng từ. “Nhờ lấy được từ nhà máy sản xuất nên giá rẻ. Khách cần số lượng nhiều phải đặt cọc trước để dồn hàng lại” – người bán khẳng định. Chỉ hơn 6 phút livestream, kênh bán hàng này đã thu hút gần 4.000 lượt xem và hàng trăm bình luận mua hàng.

Tương tự, trên tường của một tài khoản với tên Tr… (Bình Dương) rao bán giày thương hiệu Nike với giá trên dưới 1 triệu đồng/đôi, với lời giới thiệu là giày chính hãng được “chôm” từ nhà máy. “Hàng tuồn ra từ nhà máy sản xuất của Nike nên mới có mức giá “khỏi chê” đó, chứ vào cửa hàng chính hãng mua đôi này không có giá dưới 2,5 triệu đồng” – người bán nói và cho biết mỗi tháng “đường dây” này có thể tuồn ra cả trăm đôi, và bán đi khắp các nơi.

Tương tự, tài khoản có tên Trang Th – Mỹ phẩm chính hãng có hàng nghìn lượt theo dõi khi livestream đăng lời giới thiệu khá hấp dẫn “Sale sập sàn tại livestream”, rao bán hàng trăm sản phẩm mỹ phẩm được khẳng định là hàng hiệu nhưng giá chỉ có vài chục nghìn đồng/sản phẩm. Khi hỏi về nguồn gốc “chính hiệu”, người bán cho biết hàng xách tay nên không chứng minh được!

Một trang livestream bán hàng trên FacebookMột trang livestream bán hàng trên Facebook

Nhà nhà, người người livestream bán hàng

Ông Nguyễn Thành Long – phụ trách quảng cáo số của Công ty Xanh Marketing – cho biết thời gian gần đây Facebook bắt đầu sử dụng các thuật toán cho phép các nội dung livestream hiển thị nhiều hơn trên giao diện chính của người dùng. Người livestream chủ yếu là cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh với cách tổ chức nội dung đơn giản nhưng bán hàng rất hiệu quả nhờ khuyến mãi hay quà tặng chỉ có trong thời gian livestream.

Tuy nhiên, sức hấp dẫn của livestream chính là “real time”, như một dạng truyền hình trực tiếp mang tính tương tác cao giữa người bán với người xem. Người mua có thể chủ động thắc mắc về sản phẩm và được trả lời ngay. Chỉ cần để lại số điện thoại, ngay lập tức sẽ có người liên hệ chốt đơn hàng. Thao tác mua bán vì thế diễn ra rất nhanh cùng mức giá “ưu đãi” chỉ có trong giờ livestream.

Chị Ngọc – chủ tài khoản thời trang shop HM – cho biết gần như hằng ngày đều livestream để bán hàng, với những lời rao “có cánh” như “Những chị em mua hàng trong livestream tối nay sẽ mua được các tuyệt phẩm siêu kinh tế” hay “50 phần quà dành cho các đơn hàng chốt trong buổi livestream hôm nay”… nên hàng bán rất chạy. “Có thời gian Facebook cũng quét, nhiều status có chữ “phạm húy” sẽ bị ẩn đi nhưng với livestream này thì cứ vô tư” – chị Ngọc bật mí.

Không chỉ cá nhân hay doanh nghiệp, các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada đều có khu vực trải nghiệm livestream cho phép người dùng có thể ngay lập tức mua một món hàng mà thấy trong phần livestream.

Chẳng hạn, trên sàn Lazada có công nghệ livestreaming được gọi là LazLive với trải nghiệm “See Now Buy Now – Thấy là mua”. Nhờ vào tính năng này, LazLive đã mở ra thêm 1 kênh bán hàng nữa cho các thương hiệu và nhà bán hàng. Tuy nhiên, hàng livestream trên các ứng dụng này đều được cam kết kiểm soát chất lượng, thương hiệu.

Lỗ hổng cho hàng giả, hàng kém chất lượng

Ông Nguyễn Thành Long cho rằng bán hàng livestream nở rộ nhưng đi kèm đó cũng là lỗ hổng lớn trong quản lý chất lượng hàng hóa trên kênh này. Đó là lý do nhiều doanh nghiệp quốc tế đã dừng chi tiền quảng cáo trên nền tảng Facebook, đặc biệt là hình thức livestream. “Facebook hoàn toàn có thể kiểm soát được tình trạng hàng gian, hàng giả bày bán trên này thông qua thuật toán và hệ thống báo cáo nhưng nền tảng xã hội này dường như đã phớt lờ” – ông Long nói.

Theo ông Đặng Hoàng Hải – cục trưởng Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và kinh tế số, việc ngăn chặn và loại bỏ các sản phẩm hàng giả, hàng nhái trên sàn TMĐT là điều nan giải nhất mà cơ quan quản lý đang tập trung giải quyết. Bộ Công thương cũng đã yêu cầu các sàn TMĐT, các chủ sở hữu website TMĐT siết chặt kiểm duyệt hàng hóa trên sàn. Tuy nhiên, với các website tự phát hay mạng xã hội, ngành công thương chỉ có thể khuyến cáo người dùng chọn mua hàng trên nền tảng có uy tín, thương hiệu rõ ràng.

NHƯ BÌNH – NGUYỄN TRÍ (theo TTO)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here