Trang chủ Tin tức Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu lọt Top 4 nước hàng...

Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu lọt Top 4 nước hàng đầu về Chính phủ điện tử tại Đông Nam Á

DNĐVNăm 2025 Việt Nam đặt mục tiêu có tên trong Top 4 quốc gia hàng đầu về Chính phủ điện tử tại Đông Nam Á và thuộc nhóm 70 quốc gia dẫn đầu thế giới về Chính phủ điện tử…

Trước thềm sự kiện “Phát triển Chính phủ điện tử và Cổng dịch vụ công trực tuyến hướng đến Chính phủ số – Mô hình và giải pháp công nghệ” diễn ra ngày 17/9, ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Chủ tịch danh dự Hội Truyền thông số Việt Nam chia sẻ, thời gian qua, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), việc xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam ở một số ngành, lĩnh vực đã có những chuyển động tích cực, trong đó tiêu biểu nhất là trong lĩnh vực Hải quan, Thuế và quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, dẫn ra những thành tựu của Israel trong ứng dụng CNTT, ông Hợp cho rằng, những gì chúng ta mong muốn vẫn còn rất xa và so với thế giới, Việt Nam thời gian tới vẫn cần có những nỗ lực không nhỏ.

Việt Nam đặt mục tiêu lọt nhóm 70 quốc gia dẫn đầu thế giới về Chính phủ điện tử

Nhấn mạnh cuộc cách mạng về Chính phủ điện tử trước hết là cách mạng về nhận thức, ông Lê Doãn Hợp nhận định, việc tiếp tục tổ chức hội thảo quốc gia Chính phủ điện tử là để làm sao tạo ra chuyển biến trong trong nhận thức, nhất là nhận thức của những người đứng đầu về ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử.

Thực tế, công cuộc xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam những năm vừa qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đánh giá của Liên hợp quốc về phát triển Chính phủ điện tử, liên tiếp trong 4 kỳ đánh giá từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đều tăng hạng. Hiện Việt Nam xếp thứ 86/193 quốc gia trên thế giới và đứng thứ 6 tại khu vực Đông Nam Á.

Tổng thể các giải pháp đang được triển khai đều nhắm đến mục tiêu là đến năm 2025 Việt Nam có tên trong Top 4 quốc gia hàng đầu về Chính phủ điện tử tại Đông Nam Á và thuộc nhóm 70 quốc gia dẫn đầu thế giới về Chính phủ điện tử…

Để đạt được mục tiêu nêu trên, theo các chuyên gia, rõ ràng chúng ta còn có rất nhiều việc cần thực hiện, cần lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các tổ chức trong nước và quốc tế để hoàn thiện lộ trình, lựa chọn giải pháp thích hợp với Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định Chính phủ số là 1 trong 3 trụ cột lớn, cùng với kinh tế số và xã hội số. Bộ TT&TT cũng đã xác định năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, coi chuyển đổi số là cơ hội để Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã giao Bộ TT&TT chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn 2021 – 2025. Hiện Bộ TT&TT đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về xây dựng, phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

 Thảo Nguyên (theo VietQ)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here