Trang chủ Tin tức Pháp luật Ngành Hải quan: Hiện đại hóa công tác giám sát để đảm...

Ngành Hải quan: Hiện đại hóa công tác giám sát để đảm bảo chống buôn lậu, gian lận thương mại hiệu quả

DNĐVTheo phân tích của Tổng cục Hải quan, trong quý 1/2021, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có chiều hướng giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng tính chất vụ việc phức tạp, số lượng hàng hóa vi phạm bị giữ nhiều hơn. Ngành Hải quan đã và đang tích cực hiện đại hóa công tác giám sát hải quan để đảm bảo chống buôn lậu, gian lận thương mại hiệu quả.

Xử lý hơn 3.000 vụ vi phạm

Trong quý 1 (kỳ báo cáo 15/12/2020 đến 15/3/2021), toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 3.242 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính gần 979 tỷ đồng; số thu ngân sách đạt 52,56 tỷ đồng, cơ quan Hải quan khởi tố 5 vụ; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 23 vụ, theo thông tin Tổng cục Hải quan công bố chiều 29/3.

Theo phân tích của Tổng cục Hải quan, quý 1, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có chiều hướng giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng tính chất vụ việc phức tạp, số lượng hàng hóa vi phạm bị giữ nhiều hơn.

Thủ đoạn của các đối tượng tinh vi hơn với xu hướng chuyển từ các cục hải quan có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn sang các cục hải quan có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu ít hơn để tránh sự kiểm soát chặt chẽ từ lực kiểm soát hải quan.

Các vụ việc bị phát hiện đa số là do các đối tượng thành lập các công ty ma, không hoạt động kinh doanh tại nơi đăng ký và lợi dụng vào hệ thống rủi ro phân luồng (xanh, vàng) để buôn lậu. Mặt hàng vi phạm chủ yếu là các hàng cấm, hàng nhỏ gọn, có giá trị cao, dễ cất giấu như: ma tú, vũ khí, các sản phẩm động vật hoang dã nằm trong danh mục CITES như: sừng tê giác, ngà voi, vảy tê tê; điện thoại; thuốc lá; rượu…

Một số vụ việc điển hình như: ngày 27 và 28/1, tại Địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung ICD Mỹ Đình thuộc Công ty CP Interserco Mỹ Đình, Cục Hải quan Hà Nội và: Đội Kiểm soát chống buôn lậu miền Bắc phát hiện 1 doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa có dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ. Hàng hóa vi phạm gồm: 800 đèn sưởi ấm nhãn hiệu NOVA; 8.445 đèn sưởi ấm, nhãn hiệu HITACHI. Vụ việc đang được Đội Kiểm soát chống buôn lậu miền Bắc phối hợp với Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội (Cục Hải quan Hà Nội) và các đơn vị liên quan xác minh, xử lý theo quy định.

Ngày 30/1, tại kho hàng TCS (quận Tân Bình, TP HCM), Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan TP HCM) chủ trì, phối hợp với Đội 6 (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) phát hiện 3 vụ vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới. Tang vật thu giữ khoảng 9 kg nghi ma túy tổng hợp và 10 túi nghi cần sa.

Ngày 1/2, tại Kho Công ty cổ phần dịch vụ hàng hóa Nội Bài, Đội 1 (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) chủ trì, phối hợp Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan Hà Nội) phát hiện, thu giữ hơn 1.000 điện thoại di động đã qua sử dụng là mặt hàng cấm nhập khẩu.

Ngày 10-11/3, tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng (Cục Hải quan Đà Nẵng) phối hợp với Hải đội 2 (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) và Công an Đà Nẵng điều tra phát hiện lô hàng có dấu hiệu vị phạm gồm: container hàng hóa nhập khẩu là sản phẩm may mặc, chăn và chăn du lịch đã qua sử dụng, chất tẩy rửa bằng nước Ariel Bio Science (dạng lỏng); 3 container hàng hóa nhập khẩu là máy móc, thiết bị dùng cho nhà bếp, đồ điện gia dụng; đồng hồ các loại; thực phẩm, rượu đóng chai; sản phẩm may mặc đã qua sử dụng…

Tích cực triển khai mô hình mới về kiểm tra chuyên ngành

Tiếp tục hiện đại hóa công tác giám sát hải quan, Ngành Hải quan đã đề ra nhiều giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Cùng với đó, ngành Hải quan đang triển khai Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo đúng tiến độ và giai đoạn đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định, Tổng cục Hải quan đang gấp rút hoàn thiện về quy trình, hệ thống quản lý, nguồn nhân lực… nhằm sớm đưa mô hình mới vào thực tiễn.

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị gấp rút thực hiện nhiều nội dung phục vụ việc triển khai Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, nhiệm vụ chủ chốt là hoàn thiện Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trong quý 2/2021. Song song đó là xây dựng hệ thống đăng ký kiểm tra, quyết định phương thức kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm gắn với Đề án tái thiết kế Hệ thống tổng thể công nghệ thông tin, đảm bảo ưu tiên xây dựng trước nội dung này để triển khai thí điểm.

Tổng cục trưởng cũng chỉ đạo hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm theo hướng xây dựng các tiêu chí quản lý rủi ro, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin… Tập trung nguồn lực chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, tổ chức bộ máy, hiện đại hóa trang thiết bị phân tích, kiểm định hải quan.

Đặc biệt, cần hoàn thiện quy trình tổng thể về lấy mẫu, mã hóa mẫu, niêm phong, gửi mẫu, tiếp nhận, phân tích, trả thông báo kết quả… đảm bảo khoa học, chính xác, khách quan, độc lập, nhanh chóng và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng trí tuệ nhân tạo, theo đó tách thành 2 quy trình: phân tích để phân loại; phân tích để kiểm định hải quan, kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.

Trên cơ sở khảo sát thực tế tại các địa phương để hoàn thiện quy trình đảm bảo đúng quy định, thuận tiện, khả thi, tiết kiểm thời gian, nguồn lực. Đồng thời hoàn thiện thể thức văn bản thông báo kết quả phân tích, phân loại trong các trường hợp kiểm tra chuyên ngành và kiểm tra nhà nước về hải quan; đề xuất mô hình tổ chức Trung tâm phân tích phân loại – Cục Kiểm định Hải quan, quan hệ phối hợp công tác với các chi cục kiểm định, các chi cục hải quan để thực hiện chứng nhận/giám định.

Thu Trang (theo BCĐ 389)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here