Trang chủ Hỏi đáp Thế nào là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ?

Thế nào là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ?

DNĐV Chủ thể kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định. Vậy hàng hóa như thế nào là không rõ nguồn gốc, xuất xứ?

1. Khái niệm xuất xứ hàng hóa

Pháp luật hiện hành không có khái niệm cụ thể thế nào là “hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ”. Tuy nhiên, vấn đề xuất xứ hàng hóa được quy định rõ tại Khoản 14 Điều 3 Luật Thương mại 2005 và hướng dẫn cụ thể Nghị định 19/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết luật thương mại về xuất xứ hàng hoá. Theo đó:

“Xuất xứ hàng hoá là nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hoá hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hoá trong trường hợp có nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất hàng hoá đó.”

2. Quy tắc xuất xứ hàng hóa

Theo Nghị định 19/2006/NĐ-CP, có hai quy tắc xuất xứ hàng hóa, đó là quy tắc xuất xứ ưu đãi và quy tắc xuất xứ không ưu đãi.

Đối với quy tắc xuất xứ ưu đãi, hàng hóa được ưu đãi theo các điều ước quốc tế (Việc xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu để được hưởng chế độ ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan được áp dụng theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan quy định chi tiết việc thi hành các Điều ước này – Điều 4 Nghị định 19/2006/NĐ-CP) hoặc được ưu đãi theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập và các ưu đãi đơn phương khác (Việc xác định xuất xứ hàng hoá xuất khẩu để được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập và các ưu đãi đơn phương khác được thực hiện theo quy tắc xuất xứ của nước nhập khẩu dành cho các ưu đãi này – Điều 5 Nghị định 19/2006/NĐ-CP). Để biết được loại hàng hóa nào thuộc quy tắc xuất xứ ưu đãi, cần phải biết được nội dung của các điều ước quốc tế về thương mại quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Đối với quy tắc xuất xứ không ưu đãi, việc xác định xuất xứ tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam về xuất xứ hàng hóa. Theo Nghị định 19/2006/NĐ-CP, hàng hóa theo quy tắc xuất xứ không ưu đãi được coi là có xuất xứ khi thuộc trường hợp xuất xứ thuần túy hoặc xuất xứ không thuần túy (Điều 6). Các căn cứ, tiêu chí để xác định xuất xứ hàng hóa là thuần túy hay không thuần túy được quy định cụ thể tại Chương III Nghị định 19/2006/NĐ-CP, Thông tư 08/2006/TT-BTM ngày 17/4/2006 của Bộ Thương mại (Hướng dẫn cách xác định xuất xứ),Thông tư 10/2006/TT-BTM ngày 1/6/2006 của Bộ Thương mại (bổ sung Hướng dẫn cách xác định xuất xứ). Theo đó cách xác định xuất xứ hàng hóa bao gồm tiêu chí “chuyển đổi mã số hàng hóa”, tiêu chí “tỷ lệ phần trăm của giá trị” và tiêu chí “công đoạn gia công, chế biến hàng hóa”.

3. Chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy chứng nhận xuất xứ (gọi là C/O – certificate of origin) do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định) trong các trường hợp sau đây (Điều 33Luật Thương mại 2005):

a) Hàng hóa được hưởng ưu đãi về thuế hoặc ưu đãi khác;

b) Theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Như vậy, đối với hàng hóa buộc phải có giấy chứng nhận xuất xứ nếu không có sẽ được coi là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Đối với các loại hàng hóa không thuộc trường hợp phải đăng ký cấp giấy chứng nhận xuất xứ, hàng hóa được coi là không rõ nguồn gốc, xuất xứ khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, sử dụng các tiêu chí xác định nguồn gốc hàng hóa mà không thể phát hiện ra nguồn gốc của hàng hóa đó.

Trong trường hợp chủ thể kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 21 Nghị định 185/2013/NĐ – CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

                                                                                        PV

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here