Trang chủ Tin tức Trung ương thống nhất tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp,...

Trung ương thống nhất tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sau sáp nhập còn 34 tỉnh, thành phố, giảm 60-70% đơn vị hành chính cấp xã

DNĐV – Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao các chủ trương về tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp; số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố; cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng 11 khoá XIII – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tổng Bí thư Tô Lâm: Sắp xếp tổ chức bộ máy là quyết sách chiến lược vì sự phát triển bền vững của đất nước

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, đơn vị hành chính và chính quyền địa phương là một quyết sách chiến lược mang tính đột phá, chưa từng có. Mục tiêu nhằm xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả, phục vụ nhân dân, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế – xã hội bền vững và hiện đại.

Việc sắp xếp được thực hiện trên cơ sở khoa học, tầm nhìn dài hạn, đảm bảo mở rộng không gian phát triển và nâng cao chất lượng quản trị xã hội. Tổng Bí thư yêu cầu tổ chức lại các cơ quan, tổ chức chính trị – xã hội theo hướng tinh gọn, sát dân, tránh chồng chéo chức năng, phát huy vai trò “cánh tay nối dài” của Đảng.

Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện công tác cán bộ một cách minh bạch, siết chặt kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong quá trình sắp xếp. Việc thực hiện phải gắn với nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương và hiệu quả trong toàn hệ thống chính trị.

Trung ương thống nhất kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện

Ban Chấp hành Trung ương đồng thuận mô hình chính quyền 2 cấp: cấp tỉnh và cấp xã. Sau khi Quốc hội thông qua sửa đổi Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, hoạt động của cấp huyện sẽ kết thúc.

Cả nước sẽ còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố. Dự kiến sáp nhập khoảng 60–70% đơn vị hành chính cấp xã hiện nay. Việc sắp xếp bảo đảm tinh gọn, hiệu quả và phù hợp phát triển lâu dài.

Các đảng bộ cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động, tổ chức Đảng theo 2 cấp hành chính. Cấp tỉnh vừa thực thi chính sách Trung ương, vừa quản lý trực tiếp cấp xã. Cấp xã được tăng quyền tự chủ, ban hành văn bản phù hợp thực tiễn địa phương.

Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là quyết sách chiến lược chưa từng có

Tinh gọn bộ máy chính quyền và tổ chức chính trị
Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất chủ trương sắp xếp và hợp nhất các cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, hội quần chúng ở các cấp. Đồng thời, kết thúc hoạt động của công đoàn viên chức và lực lượng vũ trang, giảm mức đóng góp công đoàn phí của cán bộ, công chức, viên chức.

Cải cách bộ máy Tòa án và Viện Kiểm sát nhân dân
Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân, kết thúc hoạt động của cấp cao và cấp huyện, hình thành hệ thống gồm 3 cấp: tối cao, cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Sửa đổi Hiến pháp và pháp luật
Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và các luật liên quan đến tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, hoàn thành trước ngày 30/6/2025 và có hiệu lực từ 01/07/2025.

Đẩy mạnh cải cách thể chế và phân cấp
Cần tháo gỡ các rào cản thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển, chú trọng đến đấu thầu, ngân sách, đầu tư công, kinh tế tư nhân và chuyển đổi số. Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để tăng hiệu quả và hiệu lực của bộ máy chính quyền.

Tạo môi trường kinh doanh minh bạch và phát triển
Cải cách pháp luật và chính sách phải bám sát tình hình thực tiễn, không để tình trạng chờ luật chậm trễ. Mục tiêu là tạo môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn và giảm chi phí, đồng thời xử lý các điểm nghẽn thể chế để đưa Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu trong cải cách hành chính.

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here