Trang chủ Tin tức Pháp luật Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia: Tăng cường phối hợp để...

Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia: Tăng cường phối hợp để nâng hiệu quả chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn Thủ đô

DNĐVĐây là một trong những chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực, Trưởng Ban chỉ đạo Ban 389 quốc gia Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra trong chiều ngày 19/5/2020.

Quang cảnh buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, Bộ Công An, Bộ Y Tế, Văn Phòng Chính Phủ, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Chủ tịch UBND TP. Hà Hội, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Quản lý thị trường cùng các lực lượng trong Ban chỉ đạo 389 Hà Nội…

Báo cáo về kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2019, 4 tháng đầu năm 2020 và công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thủ đô, Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội cho hay: Năm 2019, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội đã tổ chức thanh, kiểm tra: 33.529 vụ (giảm 1.306 vụ thanh, kiểm tra so với cùng kỳ năm 2018); xử lý hành chính: 31.246 vụ (tăng 2.597 vụ xử lý so với cùng kỳ năm 2018).

Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu: 4.466 tỷ 385 triệu đồng. Trong đó, phạt hành chính: 1.335 tỷ 878 triệu đồng; truy thu thuế, thu hồi thuế sau thanh tra, kiểm tra (gồm Công an, Thuế, Hải quan): 3.128 tỷ 607 triệu đồng; tiền bán hàng tịch thu: 1 tỷ 900 triệu đồng…

Riêng trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, các lực lượng chức năng đã thanh tra, kiểm tra và xử lý: 9.428 vụ. Khởi tố 38 vụ đối với 49 đối tượng. Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước: 1.393 tỷ 920 triệu đồng.

Về kết quả công tác chống buôn lậu gian lận thương mại liên quan đến dịch COVID-19, tính đến ngày 18/5, các lực lượng chức năng đã thanh tra, kiểm tra 758 vụ, xử lý hành chính 318 vụ.

Trong đó, các cơ quan chức năng đã chuyển 4 hồ sơ vụ việc sang cơ quan công an để tiến hành điều tra theo quy định.

Công an đã có quyết định khởi tố 1 vụ án đối với 4 đối tượng. Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài đã khởi tố 3 vụ đối với 3 đối tượng với tổng số tiền xử phạt là 2 tỷ 432 triệu đồng. Các hàng hóa vi phạm gồm: 1.749.614 chiếc khẩu trang y tế các loại, 13.227 sản phẩm nước rửa tay sát khuẩn; trong đó Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã bàn giao trên 300.000 chiếc khẩu trang y tế và trên 1.500 chai nước rửa tay sát khuẩn đã được kiểm định cho Sở Y tế Hà Nội để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Thành phố. Có 4.551 sản phẩm dung dịch cồn các loại; 35.600 đôi găng tay y tế; 1.597 bộ quần áo phòng dịch; 185 chiếc kính bảo hộ y tế; 927 áo phẫu thuật; 605 chiếc thẻ đeo khử khuẩn; 847 chiếc nhiệt kế điện tử.

Theo Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội, năm 2019, được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính Phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia… kết quả đấu tranh đã được nâng lên, đánh đúng, đánh trúng vào đường dây, ổ nhóm buôn lậu, hàng cấm, hàng giả với số lượng lớn.

Cùng với đó là hiệu quả từ công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng ngày càng được quan tâm, có sự gắn bó chặt chẽ, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn Thành phố.

Ghi nhận những kết quả đạt được của Ban chỉ đạo 389 Hà Nội, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, với những kết quả tích cực trên, các lực lượng chức năng trong Ban chỉ đạo 389 Hà Nội đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và góp phần quan trọng đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn cả nước nói chung và Thành phố Hà Nội nói riêng, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, người tiêu dùng và an toàn sức khỏe, cuộc sống bình yên của nhân dân. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Phó thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương các tập thể, cá nhân của Ban chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội đã có thành tích xuất sắc trong thời gian qua.

Phó Thủ tướng thường trực, Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, nhìn nhận một cách khách quan, thẳng thắn thì bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Thành phố Hà Nội vẫn còn một số tồn tại, chưa đáp ứng đầy đủ mong muốn của Chính phủ và kỳ vọng của người dân. Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn xảy ra và diễn biến phức tạp, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn bán công khai trên các hoạt động thương mại điện tử và tại một số địa bàn trên Thành phố.

Phó Thủ tướng cho rằng, tồn tại trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là yếu tố con người. Trong đó vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở một số đơn vị, địa phương chưa thường xuyên, quyết liệt, có lúc, có nơi buông lỏng, thiếu quan tâm, kiểm tra, đôn đốc, các lực lượng chức năng chưa làm hết trách nhiệm. Sự phối hợp lực lượng trong triển khai các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia còn chưa  đồng bộ, thiếu chặt chẽ. Đáng chú ý, một số vụ việc buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả nghiêm trọng vẫn còn tồn, đọng, chưa được điều tra, xử lý dứt điểm để triệt phá tận gốc các đường dây ổ nhóm, nghiêm trị trước pháp luật. Những tồn tại trên đã hạn chế đến kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Với vị trí đặc biệt quan trọng của Thủ đô Hà Nội, để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại đã và đang đặt ra cho Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và Ban chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội nhiều nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi các lực lượng trong Ban chỉ đạo 389 Hà Nội phải quyết tâm hơn, nỗ lực hơn, tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, chỉ tiêu đã đề ra.

Theo đó, Phó Thủ tướng thường trực, Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban chỉ đạo 389 Hà Nội thẳng thắn, nghiêm túc đánh giá những tồn tại, hạn chế trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của mình thời gian qua; xác định rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan, từ đó đề ra giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác thời gian tới.

Thành phố Hà Nội cần quán triệt nhận thức, phương châm hành động, xác định hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả tác động tiêu cực nhiều mặt đến tình hình kinh tế, xã hội, an ninh trật tự, sức khỏe của người dân và gắn liền với tệ nạn tham nhũng. Vì vậy, công tác đấu tranh này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, không có vùng cấm. Chủ tịch UBND và các quận, huyện phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trangh buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn quản lý.

Tiếp tục triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chủ động phối hợp với Văn phòng Thường trực và các lực lượng chức năng của Trung ương xây dựng các Kế hoạch nắm tình hình, phát hiện, kiểm tra, xử lý đối với một số địa bàn trọng điểm về buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ…; Kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn với các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và các hành vi vi phạm khác trong hoạt động thương mại điện tử; Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, giả mạo xuất xứ đối với các sản phẩm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Tăng cường công tác trao đổi thông tin với các địa phương khác, nhất là các tỉnh biên giới trọng điểm như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Lào Cai…để phối hợp lực lượng kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các đối tượng, hàng hóa đưa từ biên giới vào Hà Nội để tiêu thụ.

Tập trung chỉ đạo điều tra, xử lý dứt điểm các vụ việc nghiêm trọng có dấu hiệu hình sự mà các lực lượng đã phát hiện, công khai thông tin, kết quả xử lý các vụ việc đó để răn đe các đối tượng khác và nhân dân được biết.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách; điều chuyển, đề xuất điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xử lý nghiêm các vi phạm.

Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến về pháp luật, kết quả đấu tranh của các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chỉ rõ các vi phạm và các tổ chức, có nhân có liên quan, nhất là về trách nhiệm của người đứng đầu, bảo đảm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này. Làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, nêu gương người tốt, việc tốt.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn quản lý, xây dựng, sửa đổi, bổ sung và đề xuất kiến nghị các văn bản qui phạm pháp luật không còn phù hợp liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đặc biệt là sửa đổi, bổ sung các quy định còn sơ hở thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành để hỗ trợ lực lượng chức năng nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian tới.

Tiếp tục nghiên cứu, thúc đẩy xã hội hóa công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thông qua các hoạt động hỗ trợ từ phía các hiệp hội, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước; tăng cường tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế, tích cực phối hợp với các tổ chức, thương hiệu toàn cầu hợp tác chống hàng giả, chống vi phạm sở hữu trí tuệ. Phải xác định nhiệm vụ trong thời gian tới, vấn đề hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ là vấn nạn và nổi cộm.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế đánh giá: Đầu năm 2020, cùng với sự bùng phát của dịch Covid-19, trong bối cảnh đó, người dân có tâm lý đi mua đồ dùng thiết yếu và trang thiết bị, vật tư y tế để tích trữ nên nhiều đối tượng đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để mua gom, đầu cơ, tăng giá bán hàng bất hợp lý, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nhờ có sự chủ động, trách nhiệm, ngay từ đầu tháng 1 năm 2020 các lực lượng trong Ban chỉ đạo 389 Hà Nội đã thường xuyên bám sát địa bàn tăng cường quân số, làm việc cả ngoài giờ và các ngày nghỉ để kiểm tra, kiểm soát đối với các khu trung tâm thương mại, chợ, các tiệm thuốc để tuyên truyền, xử lý nghiêm một số đối tượng góp phần giúp bình ổn giá và giúp người dân không bị tâm lý hoang mang. Dự báo tình hình trong thời gian tới Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia đề nghị Lãnh đạo BCĐ 389 Hà Nội cần tập trung nghiên cứu làm sâu một số công việc: Thành phố Hà Nội cần quán triệt nhận thức, phương châm hành động, xác định hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả. Đặc biệt công tác chống hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Ban chỉ đạo 389 các Quận, huyện chỉ đạo quyết liệtUBND các phường, xã, các lực lượng chức năng: Công an, Quản lý thị trường…, tập trung vận động, tuyên truyền phổ biến pháp luật; kiểm tra, ngăn chặn triệt để tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm: Khu vực chợ Đồng Xuân ( Hoàn Kiếm), xã Ninh Hiệp ( Gia Lâm), xã La Phù (Hoài Đức), xã Tam Hiệp ( Phúc Thọ), xã Sơn Hà ( Phú Xuyên)… Thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin nhanh, chính xác; tăng cường công tác phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng chức năng, từ đó đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, toàn diện, thực chất và bài bản. Tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án có dấu hiệu hình sự, kiên quyết triệt phá tận gốc các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, trốn thuế.
Thu Trang (theo BCĐ 389)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here