Trang chủ Tin tức Việt Nam sẵn sàng ‘đón đại bàng’ FDI

Việt Nam sẵn sàng ‘đón đại bàng’ FDI

DNĐVNếu Việt Nam có những hành động mau lẹ để đón bắt được dòng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sẽ là “cơ hội vàng” để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó đưa Việt Nam bứt phá lên một vị thế khác trên trường quốc tế.

Từ năm 2018, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước… khiến dòng vốn đầu tư trên thế giới sụt giảm (trên 10% năm 2018 và 2019), đồng thời có sự dịch chuyển mạnh giữa các khu vực và quốc gia. Trong xu thế đó, Việt Nam đang nổi lên như là điểm đến tiềm năng, điểm đến cho sự phân bổ lại dòng vốn đầu tư, đặc biệt là xu hướng dịch chuyển dòng vốn từ Trung Quốc.

Theo thống kê, trong 67% doanh nghiệp có ý định dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, 42% muốn chuyển sang Việt Nam với kế hoạch đầu tư vào công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai như: y tế, trí tuệ nhân tạo, robot, big data, fintech…

Việt Nam – điểm đến đầy tiềm năng

Một vài báo cáo công bố gần đây chỉ ra, triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam là “tươi sáng” nhất trong khu vực Đông Nam Á. Đơn cử, báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới được công bố của Oxford Economics được ủy quyền bởi The Institute of Chartered Accountants in England and Wales (ICAEW) đánh giá, Việt Nam sẽ là nền kinh tế duy nhất ở khu vực Đông Nam Á đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020.

Đồng thời, theo Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB), kinh tế Việt Nam, dù chịu ảnh hưởng của Covid-19 trong nửa đầu năm 2020, vẫn giữ được viễn cảnh tích cực trước mắt và trong trung hạn. Trong trường hợp tình hình thế giới được từng bước cải thiện, các hoạt động kinh tế sẽ phục hồi vào nửa cuối của năm 2020 khiến cho nền kinh tế sẽ đạt tăng trưởng khoảng 2,8% cho cả năm nay và 6,8% trong năm 2021, nếu tình hình trong nước và quốc tế thuận lợi. Nếu tình hình bên ngoài kém thuận lợi hơn, nền kinh tế sẽ tăng trưởng khoảng 1,5% trong năm 2020 và 4,5% trong năm 2021. Dự báo, Việt Nam sẽ là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020.

Theo TS. Nguyễn Đức Hưởng, nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, Covid-19 chính là một cuộc cách mạng. “Cách mạng ở đây chính là việc thay cũ đổi mới, và Covid-19 làm Việt Nam ngày càng có uy tín trong mắt bạn bè quốc tế, từ đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhìn về Việt Nam”, ông Hưởng nói và cho biết, nhiều bạn bè của ông từng đem tiền đầu tư ở nước ngoài cũng đang rục rịch muốn quay trở về Việt Nam.

Chuẩn bị kĩ lưỡng để đón “cơ hội vàng”

Với những lợi thế nêu trên, nếu Việt Nam có những hành động mau lẹ để đón bắt được dòng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sẽ là “cơ hội vàng” để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó đưa Việt Nam bứt phá lên một vị thế khác trên trường quốc tế. Ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, hiện nay Chính phủ, một số bộ, ngành chức năng đang thể hiện rất rõ quyết tâm để Việt Nam có thể đón được dòng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc hậu dịch Covid-19. Vì vậy vấn đề còn lại là cần biến quyết tâm thành những hành động cụ thể nhanh chóng, kịp thời.

Nếu Việt Nam có những hành động mau lẹ để đón bắt được dòng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sẽ là “cơ hội vàng” để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh minh họa.

“Tôi cho rằng, trước hết, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn mặt bằng đất sạch trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, để khi các nhà đầu tư muốn rời nhà máy sang thì có thể cấp đất dễ dàng, nhanh chóng cho họ xây dựng nhà máy. Đặc biệt, trong khu công nghiệp, khu kinh tế cần phải chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng kỹ thuật, điện, nước; nhất là phải có chắc chắn một dự án xử lý nước thải và xử lý chất thải rắn để nhà đầu tư có thể sử dụng ngay những dịch vụ đó.

Thứ hai, khi các nhà đầu tư dịch chuyển nhà máy sản xuất sang sẽ đòi hỏi một nguồn nhân lực rất lớn. Do đó, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực dồi dào, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cung ứng đủ cho nhu cầu của các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics hơn nữa để giảm chi phí bốc xếp hàng hóa, lưu kho, vận chuyển… nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho NĐT. Ngoài ra, các thủ tục hành chính cần phải được thực hiện một cách thuận tiện, nhanh chóng và nâng cao tính minh bạch của môi trường kinh doanh… Những vấn đề này chúng ta cũng nói nhiều rồi, nhưng vẫn cần cải thiện hơn nữa…

Ngoài ra, chúng ta đã có Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trong thời gian tới, theo đó, đặc biệt chú trọng thu hút dòng vốn FDI có công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến theo xu thế cuộc cách mạng 4.0, hay thu hút vốn FDI vào những lĩnh vực mà nền kinh tế Việt Nam đang có nhu cầu cao… Vì vậy, trước hết, trong quá trình đón bắt dòng dịch chuyển sản xuất này cũng cần thu hút có chọn lọc, theo định hướng mà chúng ta đã đặt ra. Đồng thời, chúng ta cũng cần có “bộ lọc” để nhận biết được các hiện tượng đầu tư núp bóng, nhằm lẩn tránh xuất xứ, giả mạo xuất xứ của một số nhà đầu tư nước ngoài…

Thanh Tùng (theo VietQ)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here