DNĐV – Từ ông sếp trắng trẻo, quần áo là lượt, anh Tân phải phơi mặt giữa trưa nắng, bùn bắn lên tận đầu, vì từ chức về quê nuôi lươn.
Trong căn nhà khang trang tại ấp Bình Hòa 1, xã Bình Hòa Phước, Long Hồ, Vĩnh Long, anh Nguyễn Thanh Tân, 38 tuổi, mở điện thoại xem camera nhân công làm việc tại 4 trại nuôi lươn, tổng diện tích gần 8.500 m2.
Ngó ra ngoài, thấy vợ – chị Nguyễn Thị Diệu, 37 tuổi – đang tay không nhúng vào bể lươn nuôi ở sát nhà, anh nhắc: “Em vừa dùng tay phải cho vào bể giống, giờ đừng cho tay đó vào chậu trứng. Thay bao tay đi, anh để mỗi bể một đôi rồi mà”. Chị Diệu giơ tay trái lên đáp: “Em biết rồi, để em thay”.
Từng mất hết tài sản chỉ vì xử lý kỹ thuật không cẩn thận, bể nọ lây nhiễm bệnh cho bể kia khiến hỏng cả loạt, nên giờ đây, anh Tân không cho phép mình sai một lần nữa.
Anh Tân là người ấp trứng lươn nhân tạo nước sạch thành công nhất ở Vĩnh Long. Ảnh: Phan Diệp. |
Vốn là giám đốc nhân sự thuộc một công ty sản xuất túi da Hàn Quốc tại Bến Tre, anh Tân cùng vợ – một kỹ thuật viên – sống sung túc với thu nhập tổng hơn 30 triệu đồng mỗi tháng vào năm 2010.
Nhưng bận việc, nửa năm liền, anh Tân không được về quê thăm con. “Vừa muốn gần con, lại muốn đổ chất xám làm giàu cho mình, tôi tính phải tạo lập sự nghiệp riêng”, anh nói.
Quê nhà trước đây vốn là “vựa lươn”. Trong ký ức trẻ thơ của Tân, sáng sáng theo ba ra đồng bẫy lươn, chỉ vài tiếng đã đầy giỏ. Thế nhưng dạo đó, vài lần về quê để thăm con, có tiền anh cũng chẳng mua được ăn. “Lươn đắt ngang tôm, cá, mà chẳng có để bán. Mình mà nuôi được thì giàu chắc”, anh thử tính toán.
Anh Tân thuê 80 m2 ở ngay cạnh nhà trọ tại Bến Tre, xây bể, mua giống về nuôi, thức khuya dậy sớm, đọc tài liệu, song song vẫn đi làm công ty cũ.
Đợt đầu tiên giống không đạt chất lượng, lươn chết hơn 80%. Đêm đó, ngồi tính toán lại chi phí, anh mất trắng 70 triệu. “Thất bại là do mình làm chưa đúng kỹ thuật”, anh đúc rút.
Với kinh nghiệm một năm thử nghiệm và tự tin có một tỷ trong tay, anh Tân nghĩ “có thua chí ít cũng cầm cự được hai năm, thời gian đó đủ nắm vững bí quyết, nuôi ắt có lời”. Ngồi vào bàn viết một mạch tờ đơn xin nghỉ việc, anh Tân tính toán, xây bể ở đâu, thuê bao nhiêu người… Suốt đêm, trang trại tương lai hiện rõ trong đầu, anh chỉ mong trời nhanh sáng để đến công ty nộp.
Sáng đến, Tân nộp đơn nghỉ việc, cùng vợ về quê trước sự ngỡ ngàng của đồng nghiệp, người thân. Cũng giống anh, chị Diệu không muốn làm thuê nữa, theo chồng về nhưng có ước mơ riêng là “mở xưởng may và tiệm tạp hóa”.
Xác định làm lâu dài, anh Tân không quây bạt, đóng cọc tạm bợ như các hộ khác. Anh xây hẳn 5 bể nuôi bằng xi măng, mỗi bể 6 mét vuông, đầu tư thiết bị đầy đủ. Ngày đầu, ông chủ da trắng bóc, chỉ quen ngồi điều hòa, cùng với thợ đào hố, móc bùn, vác vật liệu. Nắng 38 độ C, mặt Tân đỏ lựng, mới đứng 15 phút đã thở không ra hơi.
Lươn bố mẹ được nuôi trong môi trường tự nhiên, sau khi lươn đẻ, trứng được đưa vào ấp nhân tạo. Ảnh: Nguyễn Á. |
“Trước anh ấy chỉ sơ mi, quần tây đóng thùng, thế mà giờ bùn bắn lên tận đầu. Chỉ một tuần là đã đen xạm, móng tay, móng chân cáu bẩn”, chị Diệu kể. Thấy quyết tâm của chồng, từ chỗ chỉ nhìn lươn đã phát hoảng, chị Diệu thôi ý định mở xưởng may, xắn tay áo phụ anh.
Để chọn giống lươn tốt, anh Tân đi hết 10 trại tham khảo. Sang An Giang, thấy trại ấp nhân tạo có con giống khỏe, anh bỏ tiền mua. Thế nhưng đem về, ngày nào lươn trong bể cũng có con chết. “Sợ đến tai bố mẹ, mấy tuần liền, cứ nửa đêm vợ chồng tôi mang lươn đi đổ. Mỗi lần đổ là đi tong 50 triệu”, Tân bùi ngùi nhớ lại. Anh trăn trở, nếu không tự chủ được con giống, còn thất bại.
Năm 2013, anh học cách nuôi lươn đẻ trứng, tự tạo con giống cho trang trại nhà mình. Chọn lươn bố mẹ khỏe mạnh, anh xây thêm nhà ấp trứng. Tuy nhiên, chờ mãi, không thấy trứng nở. Một tỷ mất trắng, anh Tân bỗng thấy mất niềm tin vào mình.
“Hay anh quay lại công ty làm việc kiếm đồng ra đồng vào, em ở nhà quản lý trại lươn”, anh nản lòng, bàn với vợ. Chị Diệu nói cứng: “Trại xây lên đâu vào đấy, ba lần thua kinh nghiệm có cả rổ rồi. Sang năm chỉ việc thu tiền thì anh lại bỏ”. Cố trấn an chồng, nhưng đêm đó, chị ôm con, quay lưng vào góc tường, thao thức.
Sáng hôm sau, vợ chồng chị xin bố mẹ cho mượn sổ đỏ, nói dối là để “mở rộng diện tích nuôi lươn”. Thất bại lần nữa, không chỉ gia đình anh ra đường, mà nhà bố mẹ cũng không còn. Cầm tay nhau, hai vợ chồng quyết phải thành công.
“Tôi bảo chúng nó quay lại công ty làm, nhưng vợ chồng nhà này lì lắm, chẳng chịu nghe lời”, bà Nguyễn Thị Mỹ Anh, 58 tuổi, mẹ Diệu nói.
Lươn sau khi ấp nở được nuôi trong bể nước sạch chờ xuất bán, thức ăn là giun chỉ. Ảnh: Diệp Phan. |
Sinh đứa con thứ hai được 5 tháng, chị Diệu gửi ba mẹ chồng chăm. Gà chưa gáy, hai vợ chồng đã dậy canh chậu ấp trứng. Quả trứng bằng hạt gạo, họ còng lưng, căng mắt nhặt ra các quả hỏng trong hàng ngàn quả đến tận khuya. “Không cố cho xong, trứng hư, nước bẩn, ngày mai lươn con chết thì sao”, anh Tân động viên vợ ráng thêm. Đang ngủ, hễ thức giấc anh cũng phải chạy ra xem mới yên bụng.
Năm 2014, có lươn giống, nhưng chẳng có người mua, anh thuê người viết website, đó là trang web đầu tiên trong nước “chào hàng” lươn giống, khách tận ngoài Bắc lập tức tìm đến.
Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hội nông dân huyện Long Hồ, Vĩnh Long cho biết: “Anh Tân là người tiên phong nuôi lươn nước sạch, thực hiện thành công nhất mô hình ấp trứng lươn tại huyện. Khách đặt hàng phải xếp lịch hẹn, nhưng vẫn chọn trại của anh Tân”.
Giờ đây, mỗi năm trang trại của gia đình anh xuất ra thị trường gần 3 triệu con giống, doanh thu đạt 2 tỷ. Năm tới, anh dự kiến đẩy mạnh nuôi lươn thịt, với khoảng 250 bể, và mở công ty sản xuất các sản phẩm từ lươn.
“Giờ không phải việc gì mình cũng phải tự làm nữa, nhưng cái đầu thì luôn suy nghĩ. Chỉ cần một ngày nghỉ ngơi để tận hưởng thành quả, sáng mai đã có người vượt trước mình rồi”, anh đúc rút.
Các trại lươn được vận hành theo mô hình công nghiệp với hệ thống cấp nước tự động và các tổ làm việc chuyên môn hóa, nên dù 4 trại ở xa nhau đến 5 km, mọi việc vẫn được điều phối trơn tru qua camera.
Kinh nghiệm giám đốc nhân sự trước đây giúp anh nhìn đúng người, bố trí công việc theo sở trường. Người có thị lực tốt, kiên nhẫn, khéo léo, anh đào tạo nhặt trứng. Một năm nay, anh Tân chọn chỉ chọn được 3 trong số 10 người đến thử việc. Những người lớn tuổi hơn, mắt kém, anh để họ cho lươn ăn.
Mọi công đoạn đều được giám sát tỉ mỉ, tránh sai sót nhỏ gây họa lớn. Chẳng hạn, các chùm dây nilon để làm nơi trú ngụ cho lươn, anh đều thay mới sau mỗi lứa thu hoạch. “Tôi giặt kỹ, nhúng nước sôi, phơi khô các chùm nilon rồi, anh ấy vẫn chê dơ, bảo xài cái mới cho sạch”, chị Trần Thị Kim Phượng, 49 tuổi, nhân công tại trại chia sẻ.
Hai năm nay, vợ chồng anh Tân bắt đầu có thu ổn định. Sổ đỏ đã rút về, một ngôi nhà to đẹp được dựng lên. Tháng 10 vừa qua, anh Tân được nhận bằng khen Nông dân tiêu biểu năm 2019.
Diệp Phan (Theo Vnexpress)