Trang chủ Tin tức Pháp luật Cấm sản xuất, kinh doanh thuốc lá tại Việt Nam sẽ tạo...

Cấm sản xuất, kinh doanh thuốc lá tại Việt Nam sẽ tạo nguy cơ buôn lậu thuốc lá gia tăng

DNĐVTheo Bộ Công Thương, việc cấm sản xuất, kinh doanh thuốc lá tại Việt Nam (trong khi các quốc gia khác không cấm) có thể dẫn tới hành vi sản xuất thuốc lá bất hợp pháp và buôn lậu thuốc lá.

Thời gian qua lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ buôn lậu thuốc lá ngoại vào Việt Nam. Ảnh: TH

Trước đó, có nhiều ý kiến phản ánh, ngoài tác hại đối với sức khỏe con người, thuốc lá còn gây cho xã hội tổn thất về kinh tế rất lớn. Cũng như xu hướng chung của thế giới, số người hút thuốc tại Việt Nam tập trung nhiều nhất ở nhóm thu nhập thấp, tiền chi cho thuốc lá chiếm một phần không nhỏ trong ngân quỹ vốn đã eo hẹp của họ và ảnh hưởng đến các chi tiêu về quần áo, giáo dục, chi phí điều trị nội trú, ngoại trú và tự điều trị cho 5 nhóm bệnh liên quan đến thuốc lá,… Do vậy, kiến nghị cần so sánh sự đóng góp vào ngân sách Nhà nước do các Nhà máy sản xuất thuốc lá mang lại với thiệt hại từ thuốc lá gây ra cho con người, môi trường, kinh tế, xã hội,… để xem xét quy định có nên hay không việc “cấm sản xuất thuốc lá” hoặc có những quy định, giải pháp thực hiện việc phòng, chống tác hại của thuốc lá phù hợp, khả thi, hiệu quả hơn so với quy định hiện hành.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá Việt Nam có đóng góp đáng kể trong thu ngân sách nhà nước hàng năm, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng triệu lao động, tham gia phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn và tạo ra nhiều cơ hội cho người nông dân ở các vùng trồng thuốc lá… Theo số liệu báo cáo, trong 30 năm qua Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã nộp ngân sách tăng trung bình là 11,3%/năm, đạt hơn 18.000 tỷ năm 2019.

Mặc dù vậy, các nghiên cứu về thuốc lá cho thấy, tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá làm giảm sức lao động và tổn thất đến năng suất lao động. Bên cạnh đó, người hút thuốc và xã hội còn phải gánh chịu những chi phí do khám chữa các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Những tổn thất có thể kể đến như tăng chi tiêu cho hút thuốc, chi cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, do mất khả năng lao động vì bệnh tật và tử vong sớm, xuất phát bởi tổn thất do cháy nổ, ô nhiễm môi trường…

Trong bối cảnh đó, ngày 11 tháng 11 năm 2004, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (Công ước Khung), đây là Công ước được hơn 170 quốc gia đã tham gia làm thành viên công ước. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định số 1315/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2009 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá đã quy định lộ trình thực hiện các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá và các biện pháp giảm cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ trong nước.

Để tiếp tục nội luật hóa các quy định của Công ước Khung, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đã được Quốc hội thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2012. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, cao nhất và toàn diện, thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Để phù hợp với tình hình thực tế, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá tập trung thực hiện các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá kết hợp với biện pháp kiểm soát để từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá. Hiện nay, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan đang triển khai và đã đạt được những kết quả tích cực trong việc truyền thông, tuyên truyền cho mọi người có nhận thức đúng về tác hại của thuốc lá, không sử dụng các sản phẩm thuốc lá. Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015 (GATS 2015), tỷ lệ hút thuốc trong nam giới Việt Nam giảm khoảng 2,1 điểm phần trăm so với năm 2010 (47,4% năm 2010, 45,3% năm 2015). Với nỗ lực và kết quả của hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá đang ngày càng được tăng cường thì dự báo tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong thời gian tới sẽ tiếp tục giảm.

Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không có quy định cấm hoàn toàn sản xuất và kinh doanh thuốc lá nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu sử dụng thuốc lá của người dân còn lớn, thuốc lá lại là sản phẩm gây nghiện.

Mai Ka (theo BCĐ 389)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here