Trang chủ Tin tức Pháp luật Chống buôn lậu, gian lận trong thương mại điện tử: Hoàn thiện...

Chống buôn lậu, gian lận trong thương mại điện tử: Hoàn thiện chính sách quản lý, tăng cường tập trung lĩnh vực trọng điểm

DNĐV – Để tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận trong thương mại điện tử bên cạnh việc từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động thương mại điện tử thì hiện các lực lượng chức năng cũng đã có nhiều giải pháp tập trung trong công tác quản lý, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.

Hoàn thiện chính sách quản lý thuế

Để quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, Bên cạnh việc xây dựng Nghị định thương mại điện tử, tại dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đã đề xuất quy định mới về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số.

Cụ thể, tại Khoản 4 Điều 42 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định: “4. Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.”

Do đối tượng này là đối tượng mới, đặc thù, phức tạp nên để hướng dẫn quy định tại điều này, dự thảo Thông tư dự kiến quy định về quản lý thuế đối với nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số tại Việt Nam và quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh nhận được thu nhập từ nhà cung cấp ở nước ngoài đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số như sau:

Nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện đăng ký giao dịch thuế điện tử cùng với đăng ký thuế thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, đảm bảo đáp ứng các điều kiện sau: Có khả năng truy cập và sử dụng mạng Internet; có địa chỉ thư điện tử để giao dịch với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Nhà cung cấp ở nước ngoài được đăng ký nhiều tài khoản ngân hàng để thực hiện nộp thuế điện tử, đăng ký một địa chỉ thư điện tử chính thức để nhận tất cả các thông báo trong quá trình thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Sau khi thực hiện thành công thủ tục đăng ký thuế lần đầu, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế gửi thông tin về tên đăng nhập và mật khẩu truy cập của tài khoản giao dịch điện tử vào thư điện tử của người nộp thuế để thực hiện khai thuế, nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Mã số thuế 10 số được cấp cho nhà cung cấp ở nước ngoài. Mã số thuế nộp thay 10 số được cấp tổ chức, đại lý thuế hoạt động theo pháp luật Việt Nam được ủy quyền hoặc ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chuyển tiền cho nhà cung cấp ở nước ngoài.

Về nộp thuế trực tiếp của nhà cung cấp ở nước ngoài, dự thảo nêu rõ: Đối với nhà cung cấp ở nước ngoài, sau khi nhận được mã định danh khoản phải nộp do cơ quan thuế quản lý trực tiếp thông báo, nhà cung cấp ở nước ngoài sử dụng tài khoản ngân hàng đã đăng ký với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để thực hiện nộp thuế bằng đồng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam vào tài khoản thu ngân sách nhà nước theo hướng dẫn tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, trong đó đảm bảo ghi đúng mã định danh khoản phải nộp ngân sách do cơ quan thuế quản lý trực tiếp gửi.

Trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài nộp thừa so với số thuế phải nộp theo tờ khai thì nhà cung cấp ở nước ngoài được bù trừ tự động với số thuế phải nộp ở kỳ kê khai, nộp thuế tiếp theo.

Tập trung vào lĩnh vưc trọng điểm

Nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng trong công tác quản lý, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã xây Kế hoạch 399 /KH-BCĐ389 tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử. Triển khai Kế hoạch 399 /KH-BCĐ389, từ ngày 1/11/2020 Ban chỉ đạo 389 các bộ ngành và các địa phương đã đồng loạt  ban hành kế hoạch hành động và triển khai kế hoạch này

Theo Chánh văn phòng thường trực BCĐ 389 quốc gia- Đàm Thanh Thế, thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật của các đối tượng tham gia hoạt động thương mại điện tử; phân loại và nhận diện các hành vi, phương thức, thủ đoạn để có kế hoạch đấu tranh, giải pháp công nghệ, kỹ thuật phù hợp. Các đơn vị tránh chồng chéo; không bao che, không tiếp tay cho các hành vi vi phạm và không gây tác động xấu đến thị trường, không gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường. Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những bất cập, sơ hở để hoàn thiện cơ chế, chính sách thích ứng tập quán quốc tế về thương mại điện tử. Trên cơ sở đó, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan thương mại điện tử góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Xác định nhiệm vụ kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và cấp bách của ngành hải quan trong giai đoạn hiện nay, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm đạt được hiệu quả cao nhất. Quyết liệt chỉ đạo các đội nghiệp vụ, nhất là lực lượng làm công tác kiểm soát chống buôn lậu, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan; Hải quan một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh… đã tăng cường công tác điều tra nghiên cứu nắm tình hình, thu thập thông tin về đối tượng, địa bàn trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Với lực lượng Quản lý thị trường cũng đã xác định  một số thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng thương mại điện tử, tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất. Thủ đoạn được các đối tượng sử dụng như: Lập nhiều tài khoản facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng). Thậm chí, một số đối tượng còn livestream (phát trực tiếp), mỗi ngày có thể chốt hàng trăm đơn hàng.

Nắm bắt tình hình này, Tổng cục Quản lý thị trường đã thành lập một bộ phận đặc nhiệm chuyên trách riêng chống gian lận trên môi trường internet. Tuy nhiên, để ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả và xử lý triệt để tình trạng này. Năm 2021, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, xem xét, xử lý chuyển giao hồ sơ vụ việc cho cơ quan chức năng tiến hành tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có các hành vi vi phạm, có dấu hiệu tội phạm, có tính chất, quy mô, số lượng lớn, mang tính đường dây, ổ nhóm, tái phạm nhiều lần.

Thu Trang (theo BCĐ 389)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here