DNĐV – Đây là đề xuất của Bộ Tài chính tại dự thảo Thông tư quy định về quản lý tài chính thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030.
Dự thảo Thông tư này quy định về quản lý tài chính thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 quy định tại Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ (gọi là Chương trình).
Kinh phí thực hiện Chương trình được bảo đảm từ các nguồn: Nguồn ngân sách nhà nước gồm nguồn chi sự nghiệp khoa học và công nghệ thuộc ngân sách trung ương để hỗ trợ các dự án, đề tài, các hoạt động chung và các nhiệm vụ thường xuyên thuộc Chương trình do Trung ương trực tiếp quản lý; nguồn chi sự nghiệp khoa học và công nghệ thuộc ngân sách địa phương và nguồn kinh phí khác…
Dự thảo nêu rõ về nội dung và mức chi đối với nhiệm vụ thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước. Theo đó, hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định.
Mức hỗ trợ đối với đăng ký bảo hộ trong nước như sau: Đối với đơn đăng ký bảo hộ sáng chế tối đa 30 triệu đồng/đơn; đối với đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu của các tổ chức, cá nhân tối đa 15 triệu đồng/đơn; đối với đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới tối đa 30 triệu đồng/đơn. Mức hỗ trợ đối với đăng ký bảo hộ ở nước ngoài: Tối đa không quá 60 triệu đồng/đơn.
Mức kinh phí quy định này là mức hỗ trợ tối đa từ ngân sách nhà nước; trong trường hợp phát sinh thêm các chi phí khác (nếu có), các đơn vị tham gia Chương trình tự đảm bảo.
Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước cũng hỗ trợ nhiệm vụ thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể, hỗ trợ kinh phí tổ chức trưng bày, triển lãm phân biệt sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và sản phẩm xâm hại quyền sở hữu trí tuệ: Ngân sách nhà nước hỗ trợ các khoản chi phí thuê mặt bằng; chi phí vận chuyển và thiết kế, dàn dựng gian hàng; chi phí hoạt động chung của Ban tổ chức. Mức hỗ trợ tối đa không quá 10 triệu đồng/1 đơn vị tham gia…
Ảnh minh họa
Trước đó, vào ngày 24/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2205/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030.
Tiếp tục phát huy những kết quả triển khai tích cực của Chương trình trong giai đoạn 2016-2020, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030, Chương trình đặt ra mục tiêu và nội dung phù hợp với nhu cầu thực tiễn, năng lực triển khai của các doanh nghiệp, cộng đồng.
Trong đó mục tiêu chung mà Chương trình cần đạt được là triển khai hiệu quả Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và đưa sở hữu trí tuệ thành công cụ quan trọng trong hệ thống đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và góp phần tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong cộng đồng và doanh nghiệp.
Bên cạnh việc góp phần thực hiện các mục tiêu cụ thể đã được quy định trong Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 theo Quyết định số 1068/QĐ- TTg (như chỉ số đơn đăng ký bảo hộ, khai thác thương mại, chỉ số đóng góp cho GDP…), Chương trình cũng đặt ra một số mục tiêu cụ thể khác liên quan đến công tác phát triển nhân lực chất lượng cao về sở hữu trí tuệ, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong nước và nước ngoài cho các sản phẩm chủ lực địa phương, hỗ trợ quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp và tổ chức khoa học và công nghệ.
Chương trình đề xuất 06 nhóm nội dung lớn, mỗi nhóm nội dung có các hoạt động cụ thể. Các nội dung chính của Chương trình cũng được đề xuất phù hợp với chu trình cơ bản của hoạt động sở hữu trí tuệ là tạo ra tài sản trí tuệ, bảo hộ, quản lý, thực thi quyền sở hữu trí tuệ và phát triển tài sản trí tuệ.
Cụ thể, tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ; Thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước; Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; Thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Phát triển, nâng cao năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ; Hình thành, tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội.
Cũng theo Quyết định số 2205/QĐ-TTg Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì, điều hành, quản lý và tổ chức triển khai hoạt động chung, thường xuyên của Chương trình. Cơ quan thường trực Chương trình là Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm tổ chức bộ phận làm đầu mối triển khai Chương trình trên cơ sở cân đối, điều chỉnh nguồn nhân lực hiện có của Cục Sở hữu trí tuệ.
Bảo Lâm (theo VietQ)