DNĐV – Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, để bảo vệ thương hiệu tại thị trường trong và ngoài nước cần sự chủ động của doanh nghiệp, cơ quan nhà nước chỉ hỗ trợ thông tin chứ không can thiệp được.
Trước cảnh báo về việc thương hiệu gạo ST25 ngon nhất, nhì thế giới đã và đang bị doanh nghiệp ngoại nhanh chân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ, nguy cơ gạo ST25 bị mất thương hiệu khiến dư luận lo lắng. Làm rõ hơn về vấn đề này, sáng nay (22/4), bên lề Hội thảo Thương hiệu quốc gia năm 2021, phóng viên Tạp chí Công Thương đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương.
Ông Vũ Bá Phú cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ thương hiệu của mình ở cả thị trường trong và ngoài nước. Cơ quan nhà nước không hỗ trợ trực tiếp được mà chỉ có thể hỗ trợ thông tin, kỹ thuật…
Phóng viên: Thưa ông, hiện tại, thương hiệu gạo ST 24, 25 của Việt Nam đang bị doanh nghiệp ngoại nhanh chân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ. Nếu để mất thương hiệu, ước tính thiệt hại sẽ như nào và ý kiến để không xảy ra những câu chuyện tương tự?
Cục trưởng Vũ Bá Phú: Thực ra là chúng ta chưa mất mà chỉ đang có nguy cơ mất.
Ngay trong sáng nay (22/4), Cục Xúc tiến thương mại đã kiểm tra, xác minh thông tin. Theo thông tin nắm được, hiện có tới 5 bộ hồ sơ đăng kỳ bảo hộ thương hiệu gạo ST25 trên hệ thống đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ và tất cả 5 bộ hồ sơ đều trong trạng thái đang chờ xử lý (pending). Điều này có nghĩa, đến thời điểm hiện tại, chưa có tổ chức, cá nhân nào được Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) cấp giấy văn bằng bảo hộ.
Giả sử 1 trong 5 bộ hồ sơ đó được cơ quan có thẩm quyền của Mỹ cấp quyền bảo hộ, khi đó, gạo ST25 của Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ gặp rất nhiểu khó khăn.
Thứ nhất, gạo ST25 của Việt Nam sẽ không được mang thương hiệu ST25 như đã được công nhận là loại gạo ngon nhất, nhì thế giới tại Cuộc thi gạo thế giới.
Thứ hai, nếu gạo ST25 của Việt Nam muốn mang thương hiệu gạo ST25 để xuất khẩu vào Hoa Kỳ thì phải mua lại phí của doanh nghiệp hoặc là cá nhân đã đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 đó.
Đây là câu chuyện không hề mới và nó khá phổ biến trong thương mại quốc tế từ lâu nay. Câu chuyện thương hiệu gạo ST25 một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với tất cả các doanh nghiệp về ý nghĩa, vai trò của thương hiệu trong kinh doanh thương mại quốc tế. Bởi, khi sản phẩm đã vươn ra thị trường quốc tế và là một trong những sản phẩm nổi tiếng ở thị trường trong nước cũng như quốc tế thì doanh nghiệp cần nâng cao ý thức bảo vệ thương hiệu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Hiện tại, Cục Xúc tiến thương mại cũng đã liên hệ trực tiếp với ông Hồ Quang Cua – “cha đẻ” bộ giống lúa gạo ST25 nổi tiếng và được biết, ông Cua cũng đã nộp hồ sơ bảo hộ nhãn hiệu. Bên cạnh đó, Cục cũng đề nghị giới thiệu một số chuyên gia có hiểu biết, có năng lực về vấn đề này để giúp doanh nghiệp khẩn trương hoàn thành hồ sơ đăng ký với cơ quan Mỹ.
Để giữ được thương hiệu, doanh nghiệp phải có động thái kịp thời, phải thực sự quyết tâm đòi lại thương hiệu
Tuy nhiên, để giữ được thương hiệu, doanh nghiệp phải có động thái kịp thời, phải thực sự quyết tâm đòi lại thương hiệu. Doanh nghiệp phải cung cấp bằng chứng, chứng minh mình là chủ sở hữu hợp pháp của gạo ST25 trong quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường, mang sản phẩm đi tham dự. Doanh nghiệp phải chấp nhận mất thời gian, chi phí để thuê luật sư, chuyên gia, tìm hiểu từ cơ quan có thẩm quyền nhằm có thêm thông tin cho hồ sơ khi nộp cho cơ quan chức năng.
Phóng viên: Thưa ông, việc tham gia hàng loạt các FTA có ý nghĩa như thế nào trong việc thúc đẩy xây dựng thương hiệu cho sản phẩm Việt?
Cục trưởng Vũ Bá Phú: Tham gia các FTA, cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam là rất lớn và rộng mở nhờ việc mở cửa thị trường cũng như cắt giảm thuế quan. Các sản phẩm của Việt Nam trước đây chỉ nổi tiếng trong nước thì nay có cơ hội vươn ra tiếp cận nhiều hơn đến thị trường xuất khẩu trên thế giới đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam có FTA.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần phải có ý thức bảo vệ thương hiệu của mình trên các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm, ở các thị trường có FTA bằng cách đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu, cho sản phẩm xuất khẩu của mình.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cần thuê luật sư để theo dõi về việc xâm phạm sở hữu trí tuệ và bản quyền nhãn hiệu thương mại của mình trên các thị trường xuất khẩu để có thể có động thái cần thiết và kịp thời nhằm bảo vệ được thương hiệu của mình.
Phóng viên: Vậy, theo ông, hiện nay, thương hiệu sản phẩm của Việt Nam có vị thế như thế nào trên bản đồ thương hiệu thế giới?
Cục trưởng Vũ Bá Phú: Như chúng ta đã biết, trong báo cáo của Brand Finance và hàng loạt báo cáo của các thương hiệu khác thì thương hiệu các sản phẩm của Việt Nam ngày càng được thị trường thế giới biết đến nhiều hơn và có giá trị ngày càng cao.
Trước đây vào những năm 2000, chúng ta chưa có thương hiệu nào lọt Top 500 hoặc Top 50 thương hiệu lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, vào những năm gần đây có rất nhiều thương hiệu của Việt Nam đã được lọt vào Top 500 hoặc Top 100 các sản phẩm thương hiệu nổi tiếng và có giá trị trên thế giới như Viettel, VNPT hay hàng loạt những thương hiệu khác của Việt Nam.
Phóng viên: Vậy theo ông, doanh nghiệp Việt cần làm gì để định vị thương hiệu, qua đó nâng cao vị thế cạnh tranh?
Cục trưởng Vũ Bá Phú: Chúng tôi thấy rằng thương hiệu là một yếu tố rất quan trọng trọng sản xuất kinh doanh đầu tư thương mại quốc tế và các doanh nghiệp rất cần thiết đầu tư một cách rất bài bản và có ý thức xây dựng phát triển cũng như bao vệ thương hiệu.
Trong rất nhiều những cuộc hội thảo hay diễn đàn, các chuyên gia cho rằng việc xây dựng một thương hiệu đã khó tuy nhiên việc phát triển và bảo vệ thương hiệu đó trên thị trường trong nước và quốc tế là một điều khó hơn, quan trọng hơn để có thể định vị rõ ràng thương hiệu của mình cũng như góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và cho doanh nghiệp mình.
Phóng viên: Qua câu chuyện ST25, chúng ta cần rút ra kinh nghiệm gì, thưa ông?
Cục trưởng Vũ Bá Phú: Cần nhắc lại, đây không phải là câu chuyện mới, mà là chuyện khá phổ biến ở trong thương mại quốc tế.
Một khi thương hiệu, sản phẩm đã nổi tiếng và có giá trị, có chất lượng thì luôn luôn có nguy cơ bị xâm hại ở trên thị trường.
Bài học, kinh nghiệm rút ra đó là các doanh nghiệp khi có sản phẩm có giá trị, có thương hiệu tốt thì luôn luôn phải có ý thức bảo vệ thương hiệu của mình.
Chương trình thương hiệu quốc gia chỉ có thể hỗ trợ quảng bá ngành hàng nói chung, không hỗ trợ quảng bá riêng cho một vài nhãn hiệu, doanh nghiệp nào, nên không thể có hỗ trợ trực tiếp. Tới đây, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tăng cường hơn nữa việc hỗ trợ kỹ thuật để doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký thương hiệu tại nước ngoài.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
(Theo Tạp chí Công thương)