Trang chủ kinh tế Hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng do Covid-19: Cần đi vào thực...

Hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng do Covid-19: Cần đi vào thực chất để phát huy hiệu quả

DNĐV – Chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã có nhiều chính sách tương đối đồng bộ, toàn diện về tài khóa, thuế, gói hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ an sinh xã hội tiền lương, nhà ở… song việc tiếp cận vẫn còn nhiều khó khăn.

Gần 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 hoành hành đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất hoặc bị tạm ngừng hoạt động, dẫn đến việc làm, an sinh của người lao động khó có thể duy trì… Chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, Chính phủ đã có nhiều chính sách tương đối đồng bộ, toàn diện về tài khóa, chính sách thuế, gói hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ an sinh xã hội tiền lương, nhà ở… song việc tiếp cận vẫn còn nhiều khó khăn.

Các gói hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng do Covid-19 cần đi vào thực chất để phát huy hiệu quả. Ảnh minh họa.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam không thể tách rời giữa kinh doanh và chống dịch. Bên cạnh duy trì những giải pháp tích cực như tạm hoãn, chậm nộp thuế, các doanh nghiệp mong muốn có các gói mới, được tính đến một cách bài bản hơn. Dù các chính sách được đánh giá là hữu ích nhưng trên thực tế cho thấy, vẫn còn khoảng cách khá xa từ chủ trương tới triển khai thực tế, đòi hỏi có các giải pháp để chính sách hỗ trợ đi nhanh hơn vào cuộc sống.

Đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, một số chính sách hỗ trợ người lao động, đa phần các doanh nghiệp không được hưởng lợi vì điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện như số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của doanh nghiệp. Trong khi đó, các văn bản sửa đổi và hướng dẫn, chỉ mở rộng đối tượng mà không thay đổi điều kiện bảo đảm để nhận được hỗ trợ. Đây là một trong những lý do khiến chính sách chưa phù hợp với thực tế, chưa đi vào cuộc sống.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 đề xuất, cần chia gói hỗ trợ và đối tượng cần hỗ trợ. Ngoài ra, các gói hỗ trợ nên tập trung vào các doanh nghiệp có khả năng hồi phục và cần hỗ trợ sao cho xứng đáng, để họ có thể hồi phục và kéo nền kinh tế tăng trưởng. Đối với doanh nghiệp đóng cửa dài hạn các gói hỗ trợ phải được thực hiện khác.

Ví dụ về những doanh nghiệp ngay cả khi được hỗ trợ nhưng vẫn không thể tồn tại được và vẫn phải rút lui khỏi thị trường, TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, nguồn lực của Chính phủ sẽ bị lãng phí nếu không ưu tiên hỗ trợ những doanh nghiệp có khả năng phục hồi. Do đó, cần phải phân loại đối tượng hỗ trợ theo quy mô, theo ngành nghề và khả năng chống dịch.

“Việt Nam phải chủ động xây dựng các gói hỗ trợ, Chính phủ phải đi trước trong xây dựng các kịch bản; tiếp đó phải tiếp cận theo nhóm đối tượng. Nếu không chú ý đến khía cạnh này, có thể dẫn đến tình trạng bị trục lợi chính sách”, ông Hiếu nêu quan điểm.

Ngoài ra, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho biết, sắp tới trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, VCCI sẽ rà soát và đề xuất Chính phủ cần xây dựng quy trình thủ tục minh bạch, đơn giản, dễ tiếp cận phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. “Bên cạnh biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, các chính sách về thể chế rất quan trọng. Các thủ tục hành chính phải thiết kế theo tinh thần mới dễ dàng hơn, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp như giải quyết vấn đề tăng trưởng việc làm, thủ tục đầu tư, thủ tục xuất nhập khẩu… và tiếp tục các giải pháp hỗ trợ giúp doanh nghiệp mở cửa và tiếp cận thị trường”, ông Lộc cho biết.

Mai Phương (theo VietQ)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here