Trang chủ Tin tức Hoàn thiện chế tài xử phạt vi phạm hành chính về thuế...

Hoàn thiện chế tài xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn

DNĐVTheo Bộ Tài chính, thực tế vừa qua việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn có nhiều bất cập trong áp dụng nguyên tắc xử phạt cũng như thẩm quyền xử phạt giữa 2 lĩnh vực này. Mặt khác, mức xử phạt chưa đảm bảo sức răn đe, ngăn chặn vi phạm.

Tình trạng hàng hóa không có hóa đơn chứng từ đang gia tăng nên cần có chế tài mạnh để xử lý. Ảnh: TH

Theo Bộ Tài chính, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế, cụ thể bổ sung: nguyên tắc xử phạt trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính về sử dụng hóa đơn (sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn hoặc sử dụng hóa đơn không đúng quy định) dẫn đến thiếu thuế, trốn thuế thì không xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn mà bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế; quy định về biên bản vi phạm hành chính điện tử; quy định miễn tiền phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế cho người nộp thuế (bao gồm cả cá nhân và tổ chức); quy định không xử phạt vi phạm hành chính đối với người nộp thuế thực hiện theo văn bản hướng dẫn và quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế. Đặc biệt bổ sung quy định xử phạt về hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế đối với trường hợp người nộp thuế đã lập hồ sơ xác định giá thị trường hoặc đã lập tờ khai giao dịch liên kết nhưng cơ quan quản lý thuế, cơ quan có thẩm quyền khi thanh tra, kiểm tra kết luận số liệu thanh tra, kiểm tra khác với số liệu đã khai của người nộp thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn.

Tại Chương XV Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết các Điều 138 (hình thức xử phạt, mức phạt tiền, biện pháp khắc phục hậu quả); Điều 139 (thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế); Điều 140 (Miễn tiền phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế); Điều 141 (Hành vi vi phạm về thủ tục thuế); Điều 146 (Xử phạt vi phạm hành chính về phí, lệ phí, hóa đơn trong lĩnh vực quản lý thuế).

Đồng thời, tại Điều 4 Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013 giao Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính; hình thức xử phạt, mức phạt tiền, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể đối với từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước và quy định mẫu biên bản, mẫu quyết định sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính.

Thực tế vừa qua việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn được quy định tại 2 Nghị định khác nhau nên việc áp dụng xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn có nhiều bất cập trong áp dụng nguyên tắc xử phạt cũng như thẩm quyền xử phạt giữa 2 lĩnh vực.

Để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và phù hợp với tình hình thực tế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc xử phạt vi phạm hành chính thuế và hóa đơn thì việc ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn (thay thế Chương I Nghị định số 129/2013/NĐ-CP, Chương 4, Điều 44 Chương 5 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP và Điều 3 Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ..) là cần thiết.

Theo Bộ Tài chính mục tiêu xây dựng Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn nhằm nâng cao ý thức tuân thủ và tự giác chấp hành pháp luật về thuế, quản lý thuế của người nộp thuế, cán bộ thuế, cơ quan quản lý nhà nước; tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý hành chính thuế nhằm chống thất thu, giảm nợ thuế, thu đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào Ngân sách Nhà nước.

Thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong xử lý vi phạm hành chính nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, thống nhất, công bằng trong áp dụng pháp luật; đảm bảo đồng bộ trong nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn.

Nhằm quy định xử lý những hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn điện tử dự kiến sẽ phát sinh trong thời gian tới khi triển khai thực hiện hóa đơn điện tử trên diện rộng; giải quyết những tồn tại, hạn chế bất cập của các quy định về xử lý vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn hiện hành còn vướng mắc.

Cụ thể, theo đề xuất của Bộ Tài chính, về tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ (Điều 4): quy định về tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trên cơ sở quy định tại Điều 9, Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành, trong đó xác định vi phạm hành chính với số thuế từ 100 triệu đồng trở lên hoặc giá trị hàng hóa từ 500 triệu đồng trở lên được xác định là vi phạm hành chính về thuế có quy mô lớn. Vi phạm hành chính từ 10 số hóa đơn trở lên được xác định là vi phạm hành chính về hóa đơn có quy mô lớn.

Lý do Khoản 5 Điều 200 Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì doanh nghiệp trốn thuế từ 200 triệu đồng trở lên hoặc trốn thuế từ 100 triệu đồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế. Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ từ 50 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số trở lên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự . Do đó, Ban soạn thảo đề xuất lấy mức thuế vi phạm 100 triệu đồng hoặc giá trị hàng hóa 500 triệu đồng được xác định là vi phạm hành chính về thuế quy mô lớn. vi phạm từ 10 hóa đơn trở lên được xác định là vi phạm hành chính về hóa đơn với quy mô lớn.

Về nguyên tắc áp dụng mức phạt tiền (Khoản 3 Điều 5): dự thảo Nghị định quy định rõ các hình thức xử phạt vi phạm hành chính thuế gồm: phạt cảnh cáo; phạt tiền. Đồng thời, quy định rõ việc giảm trừ khi người nộp thuế vừa có tình tiết giảm nhẹ và tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc: một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng. Quy định rõ mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế, hóa đơn tại Nghị định này áp dụng đối với tổ chức (mức phạt tiền của cá nhân bằng ½ lần mức phạt tiền đối với tổ chức); bổ sung nguyên tắc xác định mức phạt tiền khi có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được tính tăng hoặc giảm 10% mức phạt trung bình của khung phạt tiền.

Mai Ka (theo BCĐ 389)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here