Trang chủ Tin tức Quốc tế Hội nghị G20 ở Osaka bắt đầu trong bóng phủ của căng...

Hội nghị G20 ở Osaka bắt đầu trong bóng phủ của căng thẳng thương mại

Các nhà lãnh đạo đến Nhật tham dự một trong những hội nghị G20 quan trọng và mong manh nhất từ trước đến nay khi căng thẳng thương mại, địa chính trị ngày một nghiêm trọng.

Hội nghị, diễn ra trong hai ngày 28-29/6 tại thành phố Osaka của Nhật, sẽ bị phủ bóng bởi các vấn đề thương mại. Mỹ và Trung Quốc đang tìm kiếm thỏa thuận “đình chiến” cuộc chiến tranh thương mại đã kéo dài một năm qua.

Tổng thống Donald Trump nói Bắc Kinh muốn có thỏa thuận vì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang “tuột dốc thê thảm”. Nhà lãnh đạo Mỹ đã áp thuế gần 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông còn đe dọa tăng thuế gần như toàn bộ các mặt hàng còn lại mà Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ, với tổng trị giá gần 325 tỷ USD.

Tiết lộ với South China Morning Post, giới chức Mỹ và Trung Quốc ngày 27/6 nói hai nước đã đạt được một lệnh “đình chiến” sơ bộ  khi ông Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề G20.

Hoi nghi G20 o Osaka bat dau trong bong phu cua cang thang thuong mai hinh anh 1
Sự quan tâm của quốc tế đổ dồn về hội nghị thượng đỉnh G20 để trông chờ khả năng Mỹ – Trung đạt thỏa thuận đình chiến thương mại và nối lại đàm phán. Ảnh: AFP.

Trong khi đó, theo Wall Street Journal, thỏa thuận đình chiến vẫn chưa được đảm bảo. Bắc Kinh sẽ không chấp nhận bất cứ thỏa thuận nào nếu Washington không gỡ lệnh trừng phạt nhắm vào tập đoàn công nghệ Huawei.

Bên cạnh thương chiến Mỹ – Trung, các chính sách thương mại của ông Trump cũng được quan tâm đặc biệt tại hội nghị thượng đỉnh G20 lần này. Tổng thống Mỹ đã thể hiện một lập trường cứng rắn với cả đối thủ lẫn bạn bè.

Khi trên đường sang Nhật Bản, ông Trump còn lên Twitter công kích Ấn Độ, đối tác có quan hệ bền lâu với Mỹ, đã có những rào cản thuế quan không thể chấp nhận được trong nhiều năm.

Lãnh đạo 20 nền kinh tế lớn của thế giới cũng thảo luận về căng thẳng Mỹ – Iran và rủi ro xảy ra xung đột mới ở Trung Đông, cùng với đó là các chính sách đối phó biến đổi khí hậu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Marcon nói ông muốn một sự ủng hộ bằng văn bản mạnh mẽ về việc hành động đối phó biến đổi khí hậu. Trong khi đó, phía Washington sẽ không chấp nhận mọi tuyên bố chung ủng hộ thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được ký vào năm 2015.

Thanh Danh

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here