Trang chủ Tin tức Phân bón, thuốc trừ sâu giả, kém chất lượng, không rõ nguồn...

Phân bón, thuốc trừ sâu giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường

DNĐVTình trạng kinh doanh phân bón, thuốc trừ sâu giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc còn diễn ra nhiều, hiệu quả trong công tác quản lý, kiểm tra chưa cao gây thiệt hại rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân.

Kiểm chặt mặt hàng phân bón để tránh hàng giả, kém chất lượng gây thiệt hại cho người nông dân. Ảnh: TH

Đề nghị bộ, ngành tăng cường công tác quản lý, kiểm tra nhằm ngăn chặn, xử lý các vi phạm. Khi có kết quả kiểm tra, cần thông tin rộng rãi, kịp thời đến người dân, nhằm để người dân biết và tránh việc mua phải phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng.

Trả lời những kiến nghị này của cử tri, Bộ Công Thương cho rằng, ngày 20 tháng 9 năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón thay thế Nghị định số 202/2013/NĐ-CP. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phân bón, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch và chính sách đối với sản xuất phân bón vô cơ; chỉ đạo các cơ quan quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động buôn bán phân bón trên địa bàn.
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục duy trì, thực hiện nghiêm túc công tác rà soát các tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra giấy phép sản xuất phân bón, việc duy trì các điều kiện sản xuất, gia công phân bón; hồ sơ công bố hợp quy; việc chấp hành các quy định của pháp luật về chất lượng phân bón, về ghi nhãn, về hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc phân bón.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan thông tin báo, đài phát thanh của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố, qua công tác kiểm tra kết hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; cử công chức trực tiếp tới các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thực hiện ký cam kết không kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, giả, kém chất lượng.

Trong thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường tập trung thực hiện những nội dung trọng tâm sau: Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; Chỉ thị số 10/CT-BCT ngày 08 tháng 9 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tiếp tục tăng cường triển khai công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực phân bón vô cơ…

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các Bộ ngành liên quan, chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, ghi nhãn, việc chấp hành các quy định về chất lượng, hoá đơn, nguồn gốc phân bón lưu thông trên thị trường nhằm ngăn chặn việc kinh doanh phân bón nhập lậu, phân bón giả, phân bón kém chất lượng theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao.

Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh phân bón nhằm nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón, góp phần ngăn chặn việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Thông báo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả kiểm tra, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Phân bón Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón và nhân dân trong việc cung cấp thông tin về các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng để kiểm tra, xử lý ngay các vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh phân bón.

Trước đó, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đánh giá thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng đã tăng cường nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực, phát hiện, xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm, trong đó có các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp về buôn lậu, sản xuất, kinh doanh trái phép vật tư nông nghiệp trên các địa bàn trọng điểm; góp phần kiềm chế, ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, sản xuất, kinh doanh trái phép vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp ở hầu hết các địa bàn trên cả nước, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường; tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân.

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các Bộ, ngành như: Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan thuộc Bộ, các ngành, địa phương tiến hành kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc thực hiện qui trình, thủ tục hải quan về xuất khẩu, nhập khẩu các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; trong đó, tập trung thực hiện giám sát chặt chẽ việc lấy mẫu kiểm tra chất lượng hàng hóa (trường hợp cần thiết có thể thực hiện giám sát trực tuyến việc lấy mẫu để kiểm tra chất lượng); phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Tổng cục Thuế phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan thuộc Bộ, các ngành và các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những sai phạm trong việc chấp hành các quy định về thuế đối với các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh trên phạm vi toàn quốc.

Lực lượng Công an chủ động nắm tình hình, thu thập thông tin, tài liệu, chủ động phát hiện, xác minh làm rõ các hành vi vi phạm của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; tổ chức đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm, tập trung điều tra, kết luận, xử lý nghiêm những đối tượng chủ mưu, cầm đầu, những vụ việc phức tạp, nổi cộm trong sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; tiếp nhận, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự do cơ quan chức năng khác chuyển đến.

T.Lan (Theo BCD 389)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here