Trang chủ Tin tức ‘Thói quen của dân tiếp tay cho hàng giả’

‘Thói quen của dân tiếp tay cho hàng giả’

DNĐVNhận trách nhiệm khi để xảy ra hàng giả, hàng nhái nhưng Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, người tiêu dùng cũng có phần tiếp tay.

Nhận trách nhiệm về hàng giả, kém chất lượng

Tại phiên chất vấn chiều 6/11, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận nhiều câu hỏi về việc để xảy ra hàng gian lận, hàng giả, kém chất lượng từ đại biểu Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) và đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc). Trước Quốc hội, ông nhận trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng hàng giả, kém phẩm chất hay bán hàng online biến tướng, quảng cáo không đúng thực trạng, lừa dối người tiêu dùng.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Ngọc Thắng

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Ngọc Thắng

Ông Trần Tuấn Anh cũng nói thêm, hiện tượng này càng phổ biến, đặc biệt khi Việt Nam hội nhập sâu với thế giới. Nhưng theo ông, với thực tế hiện nay, ngoài Bộ Công Thương (trong đó có lực lượng Quản lý thị trường) là chủ công, chống hàng giả, hàng nhái phải là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

“Thói quen tiêu dùng của người dân hiện nay tiếp tay cho gian lận, hàng giả. Thực tế, không chỉ có thuốc giả, mỹ phẩm giả mà quần áo, đồ trang sức, tiêu dùng khác cũng được bày bán công khai với sự tiếp tay của lực lượng chức năng địa phương”, ông nêu. Bộ Công Thương đã xây dựng hàng loạt đề án, tổ chức cuộc đấu tranh hàng giả có trọng tâm tại một số địa bàn trọng điểm như Đồng Tháp, An Giang về thuốc lá, đường lậu; Hà Nội, Quảng Ninh…

Hiện Bộ Công Thương, Thông tin Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp để có thông tư, nghị định báo cáo Chính phủ hoàn thiện cơ chế bảo vệ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, sẽ có phương án đảm bảo điều kiện phát triển thương mại điện tử gắn với các khía cạnh khác của các bộ luật như Luật Quảng cáo, An ninh mạng, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

‘Không chậm trễ xử lý hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam’

Cũng trong chiều 6/11, nhiều đại biểu đề cập tình trạng hàng Trung Quốc nhập khẩu rồi “đội lốt” hàng Việt Nam để xuất đi nước khác. Theo bà Phương Thị Thanh – Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Bắc Kạn, tình trạng này được cảnh báo từ lâu, song cơ quan quản lý vẫn chậm xử lý.

Nhưng sau đó, ông Trần Tuấn Anh khẳng định “không chậm trễ trong ngăn ngừa các hành vi này”. Ông nói đã nhận diện tình trạng này từ năm 2016 sau khi Việt Nam hội nhập sâu rộng thông qua loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều ưu đãi thuế quan.

Ông dẫn trường hợp phát hiện 1,8 triệu tấn nhôm trị giá 4,3 tỷ USD gần đây đã được các cơ quan chức năng phối hợp chặn đứng. Hay việc phát hiện các lĩnh vực khác như điện tử, dệt may, da giày… cũng có dấu hiệu tranh thủ lợi dụng gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp. “Bộ đã chủ động báo cáo Chính phủ, phối hợp cùng các cơ quan, tránh ảnh hưởng tới quan hệ thương mại với các đối tác xuất khẩu như Mỹ”, ông nói.

Trả lời đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cũng về vấn đề này, ông Trần Tuấn Anh cho biết, Chính phủ đã chủ động xây dựng các đề án phòng vệ thương mại và có 5 nhóm giải pháp phân công cho các Bộ, ngành. Bộ Công Thương công bố danh sách 25 mặt hàng có nguy cơ bị lợi dụng gian lận thương mại như điện tử, gỗ dán… Bộ Xây dựng cũng có Thông tư về dừng nhập, xuất khẩu gỗ dán đi Mỹ vì đây là mặt hàng có nguy cơ lớn về gian lận thương mại khi tăng trưởng hơn 400% năm qua.

Lỗ hổng để lọt bản đồ đường lưỡi bò

Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) đặt vấn đề trách nhiệm của Bộ trưởng về thực trạng đường lưỡi bò của Trung Quốc được cài cắm qua hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam như quả địa cầu, ôtô gắn định vị, phim ảnh.

Đại biểu Phạm Văn Hòa trao đổi với Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. 

Đại biểu Phạm Văn Hòa trao đổi với Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh bên hành lang Quốc hội ngày 6/11. Ảnh: Ngọc Thắng.

Đáp lại, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, đã nhận thấy lỗ hổng pháp lý mà các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông cần xem lại. Ông khẳng định sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp luật, thể chế để đảm bảo không lặp lại hiện tượng này.

Với doanh nghiệp khác nhập khẩu và kinh doanh ôtô tại Việt Nam có hiện tượng phần mềm dẫn đường có đường lưỡi bò, Bộ Công Thương đã yêu cầu thu hồi toàn bộ các ôtô đã nhập khẩu vi phạm. “Chúng tôi cho dừng giấy phép nhập khẩu ôtô và kinh doanh tại Việt Nam cho đến khi họ thực hiện xong trách nhiệm của mình”, ông nói.

Ngày mai (7/11), Quốc hội tiếp tục chất vấn và còn 44 đại biểu đang chờ chất vấn Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.

Nguyễn Hoài – Hoàng Thuỳ – Viết Tuân (Theo Plo)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here