Trang chủ Tin tức TP.HCM hỗ trợ doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, xuất khẩu năm...

TP.HCM hỗ trợ doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, xuất khẩu năm 2024

DNĐV – Năm 2024, ngành công thương TP.HCM đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,5%, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 11% so với năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp qua cửa khẩu Thành phố tăng 10% so với năm 2023.

Lãnh đạo TP.HCM vinh danh 32 doanh nghiệp đạt Giải thưởng Thương hiệu Vàng và “đặt hàng” các DN đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số – Ảnh: VGP/Anh Nhân

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới làm ảnh hưởng đến thị trường trong nước cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Năm 2023, ngành công thương TP.HCM đã nỗ lực vượt khó, đạt được mức tăng trưởng khá (góp phần quan trọng vào tăng trưởng 5,81% của Thành phố). Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của Thành phố tăng 4,3% so với cùng kỳ. Trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 6%.

Bên cạnh sự tăng trưởng ngành công nghiệp, lĩnh vực thương mại dịch vụ cũng đạt mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 đạt hơn 1.190.407 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ.

Năm 2024, ngành công thương TP.HCM đặt mục tiêu tiếp tục nỗ lực phấn đấu thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp – thương mại, đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm Thành phố đề ra.

Mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 11%

Theo đó, phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,5% so với năm 2023. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 11%, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp qua cửa khẩu thành phố tăng 10% so với năm 2023.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng cho biết, năm 2024, TPHCM đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) từ 7,5-8%. Do đó, ngành công thương Thành phố cần tiếp tục hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp mở rộng thị trường trong nước; tổ chức kết nối giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác xúc tiến thương mại, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Cùng với đó, tăng cường áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa thông qua các hệ thống phân phối hiện đại, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạnh thương mại điện tử…

Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, năm 2024, ngành công thương sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể, về lĩnh vực công nghiệp, triển khai Đề án phát triển công nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050. Đồng thời, hỗ trợ phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, phát triển 4 ngành công nghiệp trọng điểm, từ đó làm động lực để phát triển các ngành công nghiệp khác.

Về thương mại, xuất nhập khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp vận dụng thực hiện có hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mở rộng xuất, nhập khẩu; xây dựng thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường nội địa và xuất khẩu.

Nhiều hội chợ, triển lãm được tổ chức tại TP.HCM trong năm 2023 nhằm giúp các DN tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ – Ảnh: VGP/Anh Lê

Ngoài ra, Sở Công Thương và các ban, ngành Thành phố tăng cường cung cấp thông tin các thị trường xuất, nhập khẩu. Hỗ trợ các DN đẩy mạnh xây dựng mạng lưới và thúc đẩy hợp tác, giao thương với các đối tác trong và ngoài nước.

Ngành công thương cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện của Thành phố và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Thành phố vận dụng linh hoạt và triển khai có hiệu quả Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp giúp tháo gỡ khó khăn cho DN trong tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh với lãi suất ưu đãi.

DN Thương hiệu Vàng đi đầu trong tăng trưởng xanh, chuyển đổi số của Thành phố

TPHCM vừa vinh danh 32 doanh nghiệp đạt Giải thưởng Thương hiệu Vàng. Các DN Thương hiệu Vàng năm 2023 thuộc các ngành nghề đặc trưng như: chế biến lương thực thực phẩm, vận tải kho bãi, cơ khí, cao su nhựa, điện – điện tử…. với tổng mức doanh thu hơn 255 nghìn tỷ đồng, quy mô gần 57 nghìn lao động, đóp góp ngân sách hàng nghìn tỷ đồng; cùng nhiều đóng góp trong hoạt động an sinh xã hội của Thành phố.

Những DN được Thành phố tôn vinh nổi bật với việc đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, sáng tạo trong sản phẩm và dịch vụ, thể hiện khả năng thích ứng linh hoạt trong thời kỳ khó khăn. DN cũng chú trọng đến chuyển đổi xanh, minh chứng bằng việc đầu tư và áp dụng công nghệ mới để giảm tiêu thụ năng lượng hóa thạch, tăng cường sử dụng nguyên vật liệu tái chế và giảm phát thải môi trường.

Năm 2024, lãnh đạo TPHCM “đặt hàng” và cũng kỳ vọng các DN đạt giải thưởng Thương hiệu Vàng đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số, hỗ trợ thành phố xây dựng những mô hình mẫu về DN chuyển đổi số để lan tỏa, triển khai rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp. Qua đó góp phần cùng Thành phố thực hiện thành công chủ đề năm 2024 “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”. Ngoài ra, DN cũng cần phải đổi mới, sáng tạo để theo kịp các xu hướng phát triển mới về chuyển đổi sạch, chuyển đổi xanh trong phát triển sản xuất kinh doanh.

Anh Lê (theo Chinhphu)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here