Trang chủ Tin tức Triển khai công tác đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương...

Triển khai công tác đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2024

DNĐV – Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác đấu tranh, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, bảo đảm an ninh, trật tự, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, Ban Chỉ đạo 389 TPHCM vừa ban hành Kế hoạch triển khai công tác đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2024.

Nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch là tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài của cả hệ thống chính trị phải được thực hiện thường xuyên liên tục.

Phân công lực lượng làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo hướng tập trung, chuyên sâu, phân định rõ trách nhiệm theo địa bàn, lĩnh vực và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, công chức tiếp tay, dung túng hoặc có biểu hiện tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Thực hiện nghiêm việc chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức trong đơn vị theo quy định pháp luật nhất là tại các vị trí nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

Tăng cường công tác điều tra, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nắm chắc tình hình tuyến, địa bàn, lĩnh vực quản lý, phụ trách, đường dây, đối tượng; tập trung đánh trúng, đánh đúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây, ổ nhóm, tụ điểm phức tạp, nổi cộm; các thủ đoạn gian lận về giá, đo lường, chất lượng, xuất xứ, hợp thức hóa hóa đơn, chứng từ, tập trung vào nhóm các mặt hàng như: lương thực, thực phẩm, xăng dầu, hàng điện tử, điện lạnh, điện thoại, linh kiện máy công cụ, ô tô, xe máy, phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc lá, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, rượu, đường cát, nước ngọt, động vật hoang dã, quần áo, gỗ, vật liệu xây dựng…; tập trung các tuyến đường bộ, đường thủy trên địa bàn giáp ranh; cảng biển; cảng hàng không quốc tế; chợ đầu mối; bến xe; ga đường sắt….; Kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, lĩnh vực quản lý. Đảm bảo tuân thủ chặt chẽ quy trình nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm; tránh trùng lặp nhưng cũng không bỏ qua kẽ hở; không gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và cản trở lưu thông hàng hóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Kịp thời kiến nghị các khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tăng cường công tác quản lý thuế, kiểm tra sau thông quan, hoàn thuế giá trị gia tăng hoạt động thương mại tại thị trường nội địa, các loại hình kinh doanh, dịch vụ dễ dẫn đến buôn lậu, gian lận thương mại như xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan, bán hàng miễn thuế, sản xuất, xuất khẩu, gia công, vận chuyển hàng hóa từ biên giới vào nội địa. Đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, thanh tra về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, điều kiện sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thuộc diện quản lý chuyên ngành.

Các giải pháp và nhiệm vụ

Ban Chỉ đạo 389 TPHCM giao Cục Hải quan Thành phố tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trong khu vực kiểm soát Hải quan tại các tuyến, địa bàn trọng điểm nhằm chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua địa bàn Hải quan quản lý, tập trung vào các lĩnh vực dễ bị lợi dụng để vi phạm như: lợi dụng thủ tục hải quan điện tử, hàng hóa chuyển cảng, chuyển cửa khẩu, vận chuyển độc lập; lợi dụng chính sách ưu đãi hoàn thuế VAT đối với hàng hóa xuất khẩu, chính sách tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan…

Chủ động tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng như: Công an, Bộ đội biên phòng, Quản lý thị trường và cơ quan liên quan đảm bảo triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam.

Cục Thuế Thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh nhưng phải bảo đảm quản lý chặt chẽ, không để đối tượng lợi dụng kẽ hở để buôn lậu, trốn thuế, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại; tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế; xây dựng và triển khai các chương trình, biện pháp thanh tra, kiểm tra phù hợp với từng nhóm đối tượng, theo lĩnh vực, chuyên ngành.

Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về thuế, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế, thu đúng, đủ ngay từ đầu, tránh để phát sinh khiếu nại, khiếu kiện phức tạp, kéo dài; có cơ chế giám sát chặt chẽ hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật và phòng ngừa tiêu cực; có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả tình trạng chuyển giá, trốn thuế.

 

Cục Quản lý thị trường Thành phố tăng cường quản lý địa bàn, lập danh sách các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh để có kế hoạch theo dõi, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại, dịch vụ và thương mại điện tử; xác định rõ địa bàn, đối tượng hoạt động, lĩnh vực và nhóm hàng hóa trọng điểm, đặc thù, xử lý triệt để các hành vi vận chuyển, chứa trữ buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ,… trên địa bàn Thành phố.

Tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật. Tập trung kiểm soát các nhóm hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu, cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện; nhóm hàng có thuế suất cao, thuế tiêu thụ đặc biệt, hàng hóa ảnh hưởng đến nền kinh tế: xăng dầu, lương thực, thực phẩm, đường cát,…

Công an TP xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh, xử lý các đường dây, ổ nhóm buôn bán, các tụ điểm tập kết hàng hóa nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm. Đẩy mạnh công tác điều tra các vụ việc về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nghiêm trọng, phức tạp; phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân sớm đưa ra truy tố, xét xử, nghiêm minh trước pháp luật. Chủ động phát hiện, tham mưu, kiến nghị các giải pháp nhằm khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng như Hải quan, Thuế, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường, Thanh tra chuyên ngành,…thực hiện có hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Bộ đội Biên phòng Thành phố tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các cửa sông, cửa biển, khu vực cửa khẩu cảng, nhất là các tuyến phao, nơi neo đậu, bốc dỡ hàng hóa trên sông; các bến đò, phương tiện chở khách, thủy thủ, thuyền viên từ tàu vào bờ. Kịp thời phát hiện bắt giữ khi có hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cửa khẩu cảng, biển Thành phố, tập trung một số mặt hàng trọng điểm, chiến lược: xăng dầu, khoáng sản, hóa chất, thuốc lá, gỗ, đường, hàng tiêu dùng; hàng cấm: pháo nổ, ma túy.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan của Thành phố tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật và thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng, bảo quản, kinh doanh và vận chuyển hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp theo quy định pháp luật.

Phối hợp với các cơ quan chuyên ngành trong quản lý an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sản phẩm sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến từ bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo, bao bì chứa thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công Thương và các sản phẩm khác, an toàn thực phẩm đối với các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và các cơ sở thuộc hệ thống dự trữ, phân phối hàng hóa thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Sở.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật: Chủ trì, phối hợp với các Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng, Thanh tra Cục Bảo vệ thực vật và các ngành chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, gia công, sang chiết, đóng gói, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tiến hành xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Sở Tài chính theo dõi diễn biến giá cả thị trường đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, để kịp thời phối hợp với Sở, Ngành đề xuất các biện pháp xử lý đối với các trường hợp biến động giá bất thường trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định.

Sở Giao thông Vận tải ăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về kinh doanh bến bãi của các đơn vị, tổ chức, nơi tập kết và lưu trữ hàng hóa để vận chuyển (chú trọng tới các bến xe, bến tàu thủy, bến bãi vận tải) trên địa bàn Thành phố. Phối hợp với các đơn vị có liên quan tuyên truyền, vận động và ngăn chặn, xử lý các chủ phương tiện và lái xe có hành vi vi phạm vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, vi phạm về kiểm dịch thú y…

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trong việc nhận, gửi, chuyển phát thư, kiện, gói hàng hóa qua mạng bưu chính có dấu hiệu về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch tuyên truyền về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Thành phố với nhiều loại hình đa dạng, phong phú giúp các tổ chức, doanh nghiệp, người dân hiểu và tham gia tích cực vào công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

UBND TP Thủ Đức và các quận – huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát tại các chợ truyền thống, các cửa hàng, cửa hiệu trên địa bàn; các điểm dịch vụ ăn uống, nhằm phát hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó cần lưu ý các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng có nguồn gốc không rõ ràng, chứa chất độc hại.

Các Sở, Ngành là thành viên Ban Chỉ đạo 389 Thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo đơn vị, lực lượng chức năng tập trung thực hiện các biện pháp phổ biến, quán triệt, tuyên truyền nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực quản lý.

ZUKI (theo Chinhphu)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here