Trang chủ Tin tức Trung ương xem xét phương hướng nhân sự khóa mới

Trung ương xem xét phương hướng nhân sự khóa mới

DNĐV – Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (khóa XII) dự kiến họp từ ngày 11 đến 14/5, bàn phương hướng công tác nhân sự khóa mới.

Đại biểu tham dự hội nghị Trung ương 12, sáng 11/5. Ảnh: VGP

Đại biểu tham dự hội nghị Trung ương 12, sáng 11/5. Ảnh: VGP

Phát biểu khai mạc hội nghị sáng 11/5, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói lần này Trung ương sẽ thảo luận, quyết định phương hướng công tác nhân sự Ban chấp hành Trung ương khóa XIII. Đây là cơ sở cho việc chuẩn bị nhân sự tham gia Trung ương, Bộ chính trị, Ban bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa mới, nhân sự lãnh đạo chủ chốt các cơ quan Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 và sẽ được bàn tại các hội nghị tiếp theo.

Vừa qua, Tiểu ban Nhân sự đã chuẩn bị dự thảo phương hướng công tác nhân sự Trung ương khóa XIII, báo cáo Bộ Chính trị hai lần, lấy ý kiến các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương và các Ủy viên Trung ương đương nhiệm, trước khi trình hội nghị hôm nay.

Báo cáo của Bộ Chính trị trình Trung ương đã nêu khá đầy đủ về kết quả tổng kết công tác nhân sự Đại hội XII; về quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu xây dựng Ban chấp hành Trung ương khóa mới; tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng, quy trình giới thiệu, lựa chọn.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị mỗi đại biểu phân tích, làm sâu sắc nội dung liên quan; cần lưu ý, nhấn mạnh thêm vấn đề gì, những khâu nào? “Phải chăng, tiêu chuẩn Ủy viên Trung ương, Bộ chính trị, Ban bí thư trong thời điểm hiện nay cần nhấn mạnh phải có bản lĩnh chính trị thật vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội…”, ông nói.

Tổng bí thư cũng nêu rõ, trong công tác chuẩn bị nhân sự, phải kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, chạy chức, chạy quyền…

Ngoài nội dung trên, hội nghị Trung ương 12 còn thảo luận, quyết định về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026; số lượng và việc phân bổ đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng cùng một số vấn đề quan trọng khác.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị Trung ương 12, sáng 11/5. Ảnh: VGP 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị Trung ương 12, sáng 11/5. Ảnh: VGP 

Trong bài viết mới đây về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ Trung ương cần có cơ cấu hợp lý để “bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tính kế thừa và phát triển”. Trong đó, không nhất thiết lĩnh vực nào, ngành nào cũng phải có người tham gia Trung ương nếu không đủ tiêu chuẩn; không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.

Các cấp có thẩm quyền giới thiệu để bầu làm Uỷ viên Trung ương chính thức đối với nhân sự đủ tiêu chuẩn, điều kiện để phân công phụ trách các lĩnh vực công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính trị – xã hội, cơ quan trọng yếu của Nhà nước và lực lượng vũ trang.

Các ban đảng ở Trung ương và một số bộ, ngành, địa phương thuộc vị trí, địa bàn, lĩnh vực quan trọng cần tăng cường số lượng Uỷ viên Trung ương Đảng.

Theo Tổng bí thư, trong cơ cấu Trung ương khoá tới cần chú ý bảo đảm tỉ lệ hợp lý đối với cán bộ trẻ, phụ nữ, người dân tộc thiểu số; một số nhà khoa học, văn nghệ sĩ, lãnh đạo một số tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước đủ tiêu chuẩn.

Rút kinh nghiệm từ các khoá trước, việc xác định số lượng Uỷ viên Trung ương khoá tới cần căn cứ chủ yếu vào yêu cầu, nhiệm vụ và đòi hỏi của tình hình; căn cứ vào yêu cầu lãnh đạo toàn diện đối với các địa bàn, lĩnh vực công tác, đặc biệt là phải bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn, không thuần tuý chạy theo số lượng.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII dự kiến tổ chức vào quý I/2021. Sau đó, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 dự kiến là Chủ nhật, 23/5/2021.

Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ được thành lập tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2020). Quốc hội khóa XV dự kiến không quá 500 đại biểu, trong đó khoảng 200 đại biểu chuyên trách (chiếm 40%); bảo đảm ít nhất 35% tổng số người trong danh sách ứng cử chính thức là phụ nữ, ít nhất 18% là người dân tộc thiểu số.

Hoàng Thùy (Theo Vnexpress)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here