Trang chủ Tin tức Xây dựng cơ sở pháp lý mạnh để ngăn chặn chuyển giá,...

Xây dựng cơ sở pháp lý mạnh để ngăn chặn chuyển giá, trốn, tránh thuế

DNĐV – Bộ Tài chính vừa phê duyệt đề án triển khai các giải pháp chống xói mòn, chống chuyển lợi nhuận, chuyển giá, ngăn ngừa trốn, tránh thuế của Nhà nước; đồng thời đảm bảo nguồn thu NSNN vừa đảm bảo chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế.

Cơ quan Thuế xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý rủi ro các DN kinh doanh bán lẻ ở Việt Nam. Ảnh: TH

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, năm 2019, toàn ngành Thuế đã thực hiện 96.343 cuộc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế và kiểm tra được 517.554 hồ sơ tại trụ sở cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị, xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 64.525 tỷ đồng, trong đó, số tiền thuế tăng thu là 18.875 tỷ đồng; giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng là 2.701 tỷ đồng; giảm lỗ là 42.948 tỷ đồng; số tiền thuế nộp vào ngân sách đạt 73% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra. Kết quả này cho thấy, bên cạnh những DN làm ăn chân chính, đóng góp vào ngân sách nhà nước (NSNN), vẫn còn nhiều đối tượng thực hiện các hành vi gian lận nhằm giảm số thuế lẽ ra phải nộp vào NSNN.

Theo đó, qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế đã phát hiện và ra quyết định truy thu hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế với hàng loạt DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Tổng cục thuế nhận diện ra phương thức lẩn tránh thuế của các DN FDI thường là chuyển nhượng vốn góp với giá cao hoặc kê khai giá đầu vào cao dẫn đến bị lỗ để không phải đóng thuế. Đơn cử, trường hợp chuyển nhượng quyền sở hữu ngoài lãnh thổ như Heineken thường sẽ phát sinh tranh chấp quyền đánh thuế giữa các nước có ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Do đó, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế phải chứng minh tỷ lệ giá trị tài sản hình thành từ bất động sản chiếm từ 50% tổng giá trị chuyển nhượng thì phải thực hiện theo pháp luật Việt Nam, không thể theo Hiệp định được và phải nộp thuế tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, thời gian qua, mặc dù Việt Nam đã rất nỗ lực xây dựng và ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thiết lập và dần hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động chống chuyển giá, tạo những cơ sở pháp lý nhất định cho hoạt động của ngành Thuế trong đấu tranh chống chuyển giá. Tuy nhiên, hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam vẫn thiếu đồng bộ, hiệu lực thấp. Mức ưu đãi cao, diện ưu đãi rộng và dàn trải, từ ưu đãi ngành nghề, ưu đãi theo vùng, trong đó chủ yếu là ưu đãi về tài chính dưới dạng miễn giảm thuế, ưu đãi về tài chính đất đai.

Cơ chế kiểm soát, giám sát hoạt động đầu tư của các DN FDI còn nhiều tồn tại, đặc biệt kiểm soát đối với các DN FDI thường xuyên lỗ, lỗ mất vốn nhưng vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng để được hưởng ưu đãi thuế. Ngành Thuế chưa có chức năng điều tra DN. Mặt khác, các bộ, ngành chưa có phương pháp phối hợp, điều tra và xử lý hiệu quả trong khi các DN FDI chuyển giá ngày càng tinh vi, khó phát hiện và không dễ xử lý. 

Năm 2020, ngành Thuế đặt mục tiêu thanh tra, kiểm tra trên cơ sở phân tích rủi ro và giao kế hoạch cho các Cục Thuế đảm bảo tỷ lệ thanh tra, kiểm tra tối thiểu đạt 19,5% số DN đang quản lý trong toàn Ngành.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế sẽ xây dựng và đề xuất Chính phủ cơ sở pháp lý đủ mạnh để giải quyết các vấn đề chuyển giá của các tập đoàn đa quốc gia trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, các tập đoàn đa quốc gia phát triển theo những giá trị riêng biệt và có những biến động khó lường, khác biệt với hoạt động kinh doanh giữa các bên độc lập. Qua đó, đảm bảo việc xác định giá chuyển nhượng phù hợp với nơi giá trị được tạo lập và hoạt động kinh tế phải được đánh thuế tại nơi mà nó diễn ra hoạt động thực chất.

Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong việc ngăn chặn xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận bởi các biện pháp đơn phương và song phương không khả thi do số lượng các công ty đa quốc gia ngày càng tăng, quy mô lớn và giao dịch phức tạp; cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng sự minh bạch của hệ thống thuế… đẩy mạnh nghiên cứu, kiểm tra, giám sát các DN có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế, vốn mỏng để phát hiện và hạn chế tình trạng chuyển giá.

MAI KA (Theo BCĐ 389)

 

 

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here