Trang chủ Tin tức Kinh tế Hãng xe điện Trung Quốc ‘đốt tiền’ nuôi mộng lớn

Hãng xe điện Trung Quốc ‘đốt tiền’ nuôi mộng lớn

DNĐVNio lỗ 11.000 USD cho mỗi chiếc xe điện bán ra, cũng chẳng là thương hiệu bán chạy nhất Trung Quốc nhưng nhà đầu tư rất lạc quan về họ.

Dạo quanh nhà mày ôtô rộng lớn của Nio ở Hợp Phì, Trung Quốc, rất dễ nhận thấy tiền đang ồ ạt đổ vào ngành công nghiệp xe điện. Những cánh tay robot màu cam rực rỡ cao 4,5 m, chủ yếu đến từ Thụy Điển, luôn hoạt động sôi nổi.

Nhiệm vụ của chúng là dán các tấm nhôm nhẹ vào khung xe bằng chất kết dính dùng trong ngành hàng không vũ trụ. Trong một ngành công nghiệp mà tốc độ có thể đồng nghĩa với việc tiết kiệm chi phí, dây chuyền lắp ráp của Nio chỉ mới đạt công suất 20 một giờ, bằng một nửa công suất nhiều dây chuyền khác.

Ngay cả theo tiêu chuẩn của ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu trị giá 1.600 tỷ USD, đầu tư một dây chuyền như thế này không hề rẻ. Nhưng Nio, hoặc các công ty Trung Quốc tương tự, có thể là tương lai của ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu.

[Các cánh tay robot trong nhà máy của Nio. Ảnh: NYT.

Các cánh tay robot trong nhà máy của Nio. Ảnh: NYT.

General Motors và các tên tuổi lớn khác đang ngày càng đặt cược rằng thế hệ xe tiếp theo sẽ chỉ chạy bằng pin mà không cần đến xăng hoặc dầu diesel. Nếu quả thực như vậy thì Trung Quốc đã đổ rất nhiều tiền vào ngành công nghiệp này, đến mức họ có thể tăng tốc một cách dễ dàng.

William Li, Chủ tịch kiêm CEO Nio cho biết, kỷ nguyên của những chiếc ôtô điện gia đình chất lượng cao có giá 25.000 USD trở xuống sắp bắt đầu. “Tôi không nghĩ điều đó là khó. Nó không phải vấn đề lớn”, ông Li nói.

Các nhà đầu tư nhìn thấy tương lai hứa hẹn ở Nio, mặc dù nó mới có một nhà máy, chỉ bán được khoảng 7.200 xe trong tháng 1/2021 và chưa bao giờ có lãi. Nhưng giá trị vốn hóa của nó đã đạt 82 tỷ USD, vượt qua GM và Ford. Cổ phiếu Nio giao dịch tại New York đã tăng gần 30 lần trong năm ngoái.

Hãng này cũng còn lâu mới trở thành nhà sản xuất ôtô điện đứng đầu ở Trung Quốc. Trên thực tế, hai thương hiệu xe điện bán chạy nhất ở nước này đều có quan hệ với Mỹ. Đó chính là Tesla, thống trị ở phân khúc cao cấp; và một liên doanh của GM và hai công ty nhà nước Trung Quốc, chuyên sản xuất xe điện siêu nhỏ giá 5.000 USD.

Nhưng Nio có lợi thế thâm nhập vào chuỗi cung ứng xe điện rộng lớn và được tài trợ nhiệt tình bởi chính phủ. Khi Joe Biden cân nhắc xem Mỹ nên đầu tư bao nhiêu vào ôtô điện, Trung Quốc đã có 14 năm đầu tư bền vững vào lĩnh vực này. Trung Quốc cũng đã sử dụng các quy định trong hơn một thập kỷ để buộc các công ty đa quốc gia chuyển giao công nghệ điện tốt nhất của họ cho các công ty liên doanh với các nhà sản xuất Trung Quốc, như một điều kiện để thâm nhập vào thị trường này.

Trung Quốc sản xuất 70 đến 80% lượng hóa chất pin, cực dương và tế bào pin trên thế giới. Tương tự, Trung Quốc kiểm soát hầu hết sản lượng nam châm độ bền cao cho động cơ điện của thế giới, cũng như việc lắp ráp các nam châm đó vào động cơ. “Trung Quốc kiểm soát các con bài trong chuỗi cung ứng pin”, Vivas Kumar, Cựu Giám đốc nguyên liệu pin của Tesla, cho biết.

Nio có thể đặt hàng các bộ phận với giá rẻ từ nhiều nhà sản xuất thiết bị điện tử và nhà cung cấp phụ tùng ôtô của Trung Quốc. Và vào tháng 11, công ty đã mua lại các đối tác nhỏ và nắm toàn quyền sở hữu XPT, một công ty chuyên thiết kế và lắp ráp các bộ pin và động cơ điện cho NIO và các nhà sản xuất ôtô khác.

Nio chỉ có 120 kỹ sư để quản lý nhà máy lắp ráp ở Hợp Phì, thủ phủ của tỉnh An Huy ở miền trung Trung Quốc. Họ trả tiền cho JAC, một nhà sản xuất ôtô do nhà nước kiểm soát cũng có trụ sở tại Hợp Phì, để cử 2.300 công nhân có kinh nghiệm đến vận hành nhà máy.

Cách tiếp cận này cũng có nhược điểm. Khi nhu cầu tăng vọt vào mùa hè năm ngoái sau khi dịch bệnh được kiểm soát, một số nhà cung cấp của họ không chuẩn bị kịp để tăng sản lượng nhanh chóng. Người mua phải đối mặt với việc giao xe trễ hàng tháng.

“Chúng tôi có hàng tồn kho rất nhỏ, gần bằng 0. Đó là một thách thức lớn đối với nhà máy, bởi vì bạn cần quay vòng vốn nhanh”, Victor Gu, Tổng giám đốc nhà máy Nio, thừa nhận.

Nio còn tung ra những chiêu kéo khách tốn kém như Nio Houses, câu lạc bộ dành cho chủ sở hữu xe, với đồ uống, thư viện và thậm chí chăm sóc xe miễn phí. Nio Houses đặt tại các vị trí đắc địa ở 19 thành phố của Trung Quốc, trong đó có một địa điểm ở chân tòa nhà cao nhất Đông Á – Tháp Thượng Hải 128 tầng.

Trong một thời gian, Nio cũng cung cấp đặc quyền sạc lại miễn phí trọn đời cho xe khách hàng, miễn là họ tiếp tục mua xe Nio và đưa xe đến một trong 183 trạm đổi pin của công ty. Trong khi khách hàng nhâm nhi cà phê, kỹ thuật viên sẽ đổi một viên pin đã cạn lấy một viên pin đã được sạc đầy.

Sự hoang phí và đại dịch đã ảnh hưởng xấu đến tài chính của Nio. Công ty lỗ 11.000 USD cho mỗi chiếc xe bán ra trong quý III/2020. Để cứu trợ, một quỹ đầu tư quốc gia đã chi một tỷ USD để mua 24% cổ phần của công ty vào mùa xuân năm ngoái. Sau đó, vào ngày 10/7, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc dẫn đầu một nhóm các ngân hàng trong việc cấp tín dụng 1,6 tỷ USD cho công ty.

Một showroom của Nio tại Trung Quốc. Ảnh: NYT.

Một showroom của Nio tại Trung Quốc. Ảnh: NYT.

Ông Li, Chủ tịch Nio đã bảo vệ công ty của mình, nói rằng họ là startup và Tesla cũng lỗ nhiều năm trước khi có lợi nhuận vào mùa hè năm ngoái. “Chúng tôi rất vui mừng cho Tesla, nhưng điều này chỉ xảy ra sau 17 năm”, ông nói.

Trong khi ông Li hình dung ôtô điện sẽ sớm có giá 25.000 USD mỗi chiếc, xe của Nio hiện đắt ngang với Tesla. Chiếc sedan hạng rẻ nhất là Nio ET7, có giá khởi điểm là 58.500 USD với pin có thể giúp đi được quãng đường 310 km. Nio có kế hoạch ra mắt mẫu ET7 mới vào cuối năm sau, với pin tốt hơn để tăng gấp đôi phạm vi di chuyển.

Công ty nhấn mạnh đến việc làm cho những chiếc xe của mình nhẹ nhàng, cho tầm lái tốt hơn. Nio ước tính rằng việc thay thế thép bằng nhôm sẽ tiết kiệm được hơn 300 kg cho mỗi chiếc xe. Họ sử dụng một phần trọng lượng tiết kiệm được để lắp thêm các thiết bị khác, chẳng hạn như hai động cơ điện trên mỗi xe thay vì một động cơ. Điều này giúp xe vận hành tốt hơn nhưng cũng là tăng thêm sự phức tạp và chi phí.

Nio cho phép người mua tùy chỉnh những chiếc xe của họ, bao gồm sáu loại bánh xe, 11 màu sắc và nhiều tùy chọn khác đến mức nhà máy có thể trong một tháng không chế tạo hai chiếc xe giống hệt nhau. Điều đó buộc người lao động phải thay đổi thói quen của họ liên tục.

Nio gần đây ít gặp vấn đề trong việc kiếm tiền. Họ đã bán thêm cổ phiếu vào tháng 12 tại New York, thu được 2,6 tỷ USD. Số tiền đó đủ để xây dựng cả một dãy nhà máy – và Nio đã có kế hoạch mở rộng sản xuất đáng kể.

Sự hỗ trợ của chính phủ đối với ô ô điện vẫn rất quan trọng và Nio dường như được hưởng các hỗ trợ tốt. Một dấu hiệu gần đây là vào tháng 9, khi Cựu Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều bất ngờ đến thăm gian hàng của Nio tại Triển lãm ôtô Bắc Kinh. Ông Lý đã không còn giữ vai trò lãnh đạo từ năm 2018 nhưng vẫn là một người có ảnh hưởng ở nước này.

“Đó là lần đầu tiên tôi nói chuyện với ông ấy,” ông Li, Chủ tịch của Nio, cho biết “Ông ấy thực sự đưa ra nhiều gợi ý về công nghệ pin, về cách thay pin”.

Phiên An (theo NYT)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here