Trang chủ Tin tức Khó tuyển lao động phổ thông

Khó tuyển lao động phổ thông

DNĐV – Covid-19 được kiểm soát, đơn hàng gia tăng nhưng nhiều doanh nghiệp ở TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai khó tuyển lao động.

Mở rộng sản xuất, Công ty TNHH Virtue King Việt Nam chuyên may ba lô, túi xách xuất khẩu ở Bình Dương, cần tuyển 2.000 công nhân. Cuối năm ngoái, doanh nghiệp dựng bảng tuyển dụng cỡ lớn trước nhà máy, với mức lương hấp dẫn, thu hút người qua lại. Cụ thể, công nhân mới vào có mức lương gần 5 triệu đồng mỗi tháng, thêm một triệu đồng phụ cấp xăng xe, nhà ở. Người có năng suất cao mỗi tháng còn được thưởng gần 5 triệu đồng. Với chế độ đãi ngộ được cho là khá tốt nhưng hiện công ty chỉ tuyển được hơn 1/3 số lượng dự kiến.

Hai nữ công nhân đọc thông tin tuyển dụng của Công ty TNHH Virtue King, chiều 2/4.  Ảnh: Lê Tuyết.

Hai nữ công nhân đọc thông tin tuyển dụng của Công ty TNHH Virtue King, chiều 2/4. Ảnh: Lê Tuyết.

Cũng với nhu cầu đẩy mạnh phát triển, Công ty cổ phần Taekwang Vina (ở Đồng Nai, có 35.000 lao động) muốn tuyển hơn 2.000 công nhân. Để thu hút lao động, công ty đưa ra phúc lợi khá tốt như lương 7 triệu đồng mỗi tháng, thưởng tết âm lịch, dương lịch, ngày lễ… Ngoài ra công ty còn có siêu thị, phòng khám, nhà giữ trẻ… hỗ trợ công nhân. Thế nhưng nhiều tháng doanh nghiệp đăng thông tin tuyển dụng nhưng số lượng nhân công mới không đủ so với kế hoạch.

Doanh nghiệp đông lao động nhất TP HCM (hơn 60.000 công nhân) là Công ty TNHH PouYuen Việt Nam cần tuyển gần 3.000 công nhân nhưng 4 tháng qua vẫn chưa đủ số lượng. Bộ phận nhân sự công ty liên lạc những công nhân cũ nhưng số lượng quay lại làm việc không nhiều.

Thông tin từ Liên đoàn Lao động Bình Dương, trong quý 1/2021 toàn tỉnh có hơn 600 doanh nghiệp cần tuyển khoảng 100.000 lao động. Ở TP HCM, theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, năm 2021 thành phố có hơn 300.000 vị trí việc làm cần người lao động. Tại Đồng Nai sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp muốn tuyển khoảng 40.000 lao động. Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp ở 3 địa phương này tuyển đủ người.

Lý giải doanh nghiệp khó tuyển dụng, ông Nguyễn Thanh Cần, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Virtue King Việt Nam cho hay, trước đây TP HCM, Đồng Nai và Bình Dương tập trung nhiều khu công nghiệp thu hút lao động từ các địa phương. Nhưng giờ đây một số tỉnh thành cũng xây khu công nghiệp, ưu tiên lao động sở tại. Vừa qua, hơn 300 công nhân Công ty Virtue King Việt Nam về quê sau Tết không trở lại làm việc. Công ty tìm hiểu mới biết số lao động này ở lại quê, xin vào công ty gần nhà để tiết kiệm chi phí.

Người lao động xem thông tin doanh nghiệp tuyển dụng ở Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore thuộc tỉnh Bình Dương. Ảnh: Lê Tuyết.

Người lao động xem thông tin doanh nghiệp tuyển dụng ở Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore thuộc tỉnh Bình Dương. Ảnh: Lê Tuyết.

Tương tự, ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần Taekwang Vina cho biết sau Tết gần 400 công nhân của công ty không quay trở lại. Một số người chọn làm việc tại nhà máy gần nhà dù lương không cao bằng ở các thành phố lớn song cuộc sống ổn định. Số còn lại chấp nhận làm nông ở quê bởi không muốn lên thành phố phải thuê nhà, cuộc sống bấp bênh, dịch bệnh dễ mất việc.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết Covid-19 cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó tuyển lao động. Bởi sau dịch, nhiều lao động mất việc không trở lại làm việc ở doanh nghiệp mà chủ động gia nhập nhóm lao động phi chính thức (xe ôm công nghệ, giao hàng, buôn bán nhỏ…). Năm 2020 cả nước có khoảng 20 triệu lao động phi chính thức, tăng 330.000 người so với năm trước, trong đó một phần đến từ lao động nghỉ việc ở khu công nghiệp.

Theo bà Lê Thị Kim, Giám đốc cấp cao tại Tập đoàn ManpowerGroup Việt Nam, để có được nguồn lao động, một số doanh nghiệp sẽ thưởng tiền cho nhân viên giới thiệu được người, sử dụng thực tập sinh… Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời bởi doanh nghiệp không thể cứ “đẩy” lương thưởng lên cao mà cần tính đến yếu tố lâu dài. Trong đó luôn đảm bảo công việc cho người lao động sẽ khiến họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, để giữ chân người lao động trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp cần tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc, điều chỉnh tiền lương phù hợp, không ngừng nâng cao phúc lợi cho lao động. Trong bối cảnh nhiều nơi, nhiều ngành mất cân bằng về cung cầu lao động, Chính phủ cần phải tiếp tục hoàn thiện chính sách về đầu tư, dạy nghề, quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp phù hợp thị trường lao động.

Lê Tuyết (theo Vnexpress)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here