Trang chủ Tin tức Phòng chống tin giả, phản bác luận điệu xuyên tạc Nghị quyết...

Phòng chống tin giả, phản bác luận điệu xuyên tạc Nghị quyết 98

DNĐV – Nghị quyết 98 nhằm mục tiêu xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế – xã hội của TP HCM.

Từ Nghị quyết 54 đến Nghị quyết 98 – Cơ hội để TPHCM đón bắt vận hội

Phòng chống tin giả, phản bác luận điệu xuyên tạc Nghị quyết 98- Ảnh 1.

Trước NQ98, trung tâm TPHCM bị kìm chặt trong “chiếc áo chật” đặt ra nhu cầu khách quan về một cơ chế mạnh mẽ hơn để phát triển – Ảnh: VGP/Hồng Phúc

Trong quá trình phát triển, hai đặc thù lớn nhất của Thành phố được xác định là: Đô thị đặc biệt với quy mô dân số và mật độ dân số lớn nhất cả nước; Trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước.

Việc Quốc hội cho phép TPHCM thí điểm Nghị quyết số 54/2017/QH14 (NQ54) từ năm 2017 xuất phát từ thực tế tốc độ phát triển kinh tế của Thành phố duy trì thường xuyên mức cao hơn trung bình cả nước trong nhiều năm, đã khẳng định vai trò vững chắc của đầu tàu kinh tế. Tuy nhiên, sau thời gian thí điểm NQ54, TPHCM phải đối diện với nhiều thách thức rất lớn, đặt ra nhu cầu khách quan cho sự ra đời Nghị quyết 98/2023/QH15 (NQ98).

‘Đầu tàu’ kinh tế đối diện nhiều thách thức

Sau thời gian thí điểm NQ54, nhất là sau hai năm chịu nhiều tác động của dịch bệnh COVID-19, gần nhất là ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu, đã khiến nền kinh tế TPHCM – “đầu tàu” cả nước gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Từ các các vấn đề về hạ tầng không theo kịp và cản trở sự phát triển, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài hiệu quả giảm dần và thấp hơn cả nước, tổng tỉ suất sinh dưới tỉ suất sinh thay thế và thấp nhất cả nước… Đặc biệt, dù tỉ lệ nộp thu ngân sách về Trung ương cao nhất cả nước, song TPHCM có mức chi ngân sách thấp nhất cả nước, dẫn đến không đảm bảo cho sự phát triển nhanh, bền vững.

Đánh giá của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020 (NQ16) như sau: “TPHCM là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan toả lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước”.

Tuy nhiên, NQ16 của Bộ Chính trị khó có thể triển khai hiệu quả vì chưa được cụ thể hóa bằng các quy định của pháp luật. Do vậy, trên thực tế thì các cơ chế và chính sách phát triển của Thành phố không có gì khác biệt, nổi trội so với các địa phương khác.

Để giải quyết từng bước các thách thức trên, với sự chuẩn bị nghiêm túc, khoa học và tinh thần trách nhiệm, quyết tâm đột phá, Thành phố đã nghiên cứu, đề xuất và được Quốc hội chấp thuận ban hành NQ54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực (quản lý đất đai, quản lý đầu tư, quản lý tài chính-ngân sách, cơ chế phân cấp ủy quyền và chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức). Thời gian thực hiện 5 năm kể từ ngày 15/01/2018.

Sự cấp thiết ra đời Nghị quyết 98

Sau 10 năm thực hiện NQ16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020 và 5 năm thực hiện thí điểm NQ54, Thành phố tiếp tục phát huy vị trí đầu tàu của cả nước.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo; quy mô kinh tế tăng gấp 2,7 lần so năm 2010; GRDP bình quân đầu người tăng gấp đôi so với năm 2010, đạt hơn 6.200 USD/người; thu ngân sách của Thành phố chiếm 27% tổng thu ngân sách cả nước; công tác giáo dục – đào tạo, chăm sóc sức khỏe người dân, phát triển văn hóa, xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân Thành phố từng bước được cải thiện và nâng cao.

Phòng chống tin giả, phản bác luận điệu xuyên tạc Nghị quyết 98- Ảnh 2.

TP HCM tận dụng nguồn tài nguyên ven sông để phát triển hạ tầng đô thị theo hướng đô thị xanh và bền vững – Ảnh: VGP/Hồng Phúc

Tuy nhiên, qua đánh giá tổng kết, nhiều nội dung triển khai NQ54 còn chậm so với kế hoạch, hiệu quả chưa cao.

Việc chậm triển khai các nội dung của NQ54 có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan như do các cơ chế, chính sách thí điểm cơ bản là những nội dung mới, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể thì cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định hoặc chưa được hướng dẫn, cụ thể hóa và thống nhất với các quy định pháp luật.

Ngoài ra, trong 5 năm thực hiện NQ54, thành phố dành năm đầu tiên xây dựng kế hoạch và công tác chuẩn bị triển khai; đồng thời có 2 năm thành phố chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch COVID-19 nên thực tế Thành phố không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của Nghị quyết.

Để đạt được các mục tiêu đề ra đòi hỏi phải có một Nghị quyết mới của Quốc hội thay thế NQ54 nhằm tạo điều kiện cho Thành phố khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của Thành phố để tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế – xã hội của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Việc ban hành một Nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM thay thế NQ54 nhằm thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển là cần thiết.

NQ98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khoá XV.

NQ98 nhằm mục tiêu xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố, bao gồm 44 cơ chế, chính sách với 7 lĩnh vực, được kỳ vọng tạo điều kiện hơn nữa cho Thành phố khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của Thành phố để phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế – xã hội của vùng Đông Nam bộ và cả nước.

Tại kỳ họp lần thứ 10 khóa X, HĐND TPHCM đã ban hành Nghị quyết thực hiện NQ98, nêu rõ 14 nhiệm vụ và thẩm quyền thuộc HĐND Thành phố phải được cụ thể hóa trong năm 2023.

Trên cơ sở đó, Thành phố sẽ khởi động lại các dự án “đóng băng” và nhanh chóng chuẩn bị khởi công các dự án mới, có cả dự án giao thông và văn hóa, xã hội. Cùng với đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công và các giải pháp, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, tạo điều kiện giải quyết vấn đề lao động, việc làm, giúp đảm bảo an sinh xã hội, hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 2023.

Ngoài ra, NQ98 còn tạo bước tiến mới về sự chủ động của địa phương trong tổ chức bộ máy, sắp xếp cán bộ công chức và người làm việc không chuyên trách ở phường, xã một cách hợp lý theo quy mô dân số và tính chất công việc; tăng tính chủ động trong huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Cơ chế chính sách mới sẽ tạo ra sự thay đổi về phương thức, hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, gắn với thay đổi về cơ chế đánh giá, cơ chế quản lý nhằm góp phần khuyến khích cán bộ, công chức năng động sáng tạo vì lợi ích chung. Trong quá trình thực hiện NQ98, Thành phố sẽ có thêm sự chủ động trong kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, cơ quan dân cử nhằm phát huy nhân tố tích cực, tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật và phòng ngừa sai phạm.

Đúc kết lại, đúng như nhận định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tại diễn đàn Mekong Connect 2023, về NQ98 là cơ hội để các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đón bắt “vận hội”, trong đó mọi sự phát triển của TPHCM sẽ lan tỏa khắp vùng như hiệu ứng cánh bướm mà các tỉnh cần sớm tận dụng.

ThS. Tuấn Anh – ThS. Thành Luân (theo Chinhphu.vn)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here