Trang chủ Tin tức Thủ tướng phê bình nhiều địa phương vì chống dịch chưa nghiêm

Thủ tướng phê bình nhiều địa phương vì chống dịch chưa nghiêm

DNĐV – Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa được yêu cầu rút kinh nghiệm, chấn chỉnh tình trạng không tuân thủ 5K, nhất là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách nơi công cộng.

Trong công điện ngày 2/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phê bình, nhắc nhở một số địa phương chống dịch chưa nghiêm.

Trong ba địa phương nêu trên, tại bãi biển Vũng Tàu hôm 30/4, ước tính có 70.000 người tắm biển dịp nghỉ lễ, nhiều người không đeo khẩu trang. Bãi biển Nha Trang (Khánh Hòa) cũng có hàng nghìn người đổ về vui chơi, phần lớn không đeo khẩu trang. Theo thống kê của Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, tính riêng chiều 30/4, gần 20.000 người dân và du khách đi tắm biển, tập trung chủ yếu ở khu vực đường Võ Nguyên Giáp, đoạn từ bãi tắm Mỹ Khê đến Mân Thái (dài khoảng 4,5 km).

Ba tỉnh Vĩnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang “rút kinh nghiệm trong việc chậm triển khai các khuyến nghị của Bộ Y tế về đảm bảo điều kiện vật chất, trang thiết bị phòng chống dịch và năng lực xét nghiệm tại địa phương”.

Người dân và du khách tắm ở biển Bãi Sau, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chiều 30/4. Ảnh: Trường Hà

Người dân và du khách tắm ở biển Bãi Sau, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, chiều 30/4. Ảnh: Trường Hà

TP Đà Nẵng, tỉnh Hà Nam, Yên Bái “căn cứ hậu quả xảy ra để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, xử lý theo quy định, kể cả xử lý trách nhiệm hình sự, theo tinh thần khách quan, công bằng, nghiêm minh”.

TP Đà Nẵng và tỉnh Hà Nam là hai địa phương có liên quan đến việc để xảy ra lây nhiễm cộng đồng, khởi đầu từ “bệnh nhân 2899”. Bệnh nhân này bị nghi gây ra ổ dịch tại Hà Nam và một số địa phương khác.

Nam thanh niên 28 tuổi nhiễm Covid-19 trú thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý. Người này từ Nhật về ngày 7/4, cách ly tập trung tại khách sạn Alisia Beach Đà Nẵng. Ngày 21/4, hết 14 ngày cách ly tập trung và có 3 lần kết quả âm tính, anh đi xe Tân Kim Chi (giường cuối cùng bên phải xe) từ 20h ngày 21/4 đến 7h30 ngày 22/4 xuống nút giao Liêm Tuyền, Hà Nội, đi xe về nhà. Hai ngày sau anh sốt, ho, đau họng, ngày 29/4 xét nghiệm dương tính.

Tại địa phương, anh bị nhà chức trách cho là chưa thực hiện nghiêm các quy định tự cách ly tại nhà mà vẫn liên hoan, ăn uống với nhiều người.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Hà Nam hôm 2/5, ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Công an tỉnh rà soát hồ sơ, nếu đủ căn cứ sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự nam bệnh nhân này. Đại diện ngành công an, quân sự, các địa phương ở Hà Nam đề nghị làm rõ trách nhiệm của y tế Đà Nẵng và Hà Nam trong việc gửi, tiếp nhận văn bản thông báo hoàn thành cách ly của “bệnh nhân 2899”.

Tỉnh Yên Bái có liên quan đến việc nhóm chuyên gia Trung Quốc bị phát hiện nhiễm Covid-19 sau khi xuất cảnh Việt Nam. Nhóm này sau khi nhập cảnh vào Yên Bái, hoàn thành cách ly tập trung 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 3 lần âm tính. Nhưng trong thời gian theo dõi, giám sát sức khỏe tại nơi cư trú sau đó, nhóm chuyên gia này “đã tự ý di chuyển đi nhiều nơi”. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Yên Bái hôm 2/5, lãnh đạo Sở Y tế Yên Bái thừa nhận việc quản lý, giám sát sau cách ly với nhóm chuyên gia này “còn lỗ hổng, sơ suất”. Ông Nguyễn Trường Giang, Trung tâm Y tế TP Yên Bái, đã bị đình chỉ công tác để làm rõ trách nhiệm việc xảy ra lây nhiễm Covid-19 tại khu cách ly người nước ngoài.

Chốt kiểm soát tại xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, quê của bệnh nhân 2899. Ảnh: CTV

Chốt kiểm soát tại xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, quê của “bệnh nhân 2899”. Ảnh: CTV

Trong công điện, Thủ tướng đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng tỉnh Vĩnh Phúc, TP Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lâm Đồng… “đã kịp thời, phản ứng nhanh, chủ động có các biện pháp hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch trên địa bản”.

Thủ tướng nêu rõ, đến nay, Việt Nam vẫn cơ bản kiểm soát dịch bệnh, nhưng tình hình ngày càng phức tạp, xuất hiện tình huống xấu và khó lường. Trong khi đó, thực tế, nhiều nơi đã có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thực hiện chưa nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Bộ Y tế được giao rà soát toàn bộ số vaccine còn lại, thúc đẩy tiến độ tiêm hết vaccine nhanh nhất; công bố công khai để nhân dân biết, giám sát. Bộ tiếp cận nhiều nguồn vaccine nhất có thể và mở rộng phạm vi tiếp cận các sinh phẩm xét nghiệm mới.

Thủ tướng giao Bộ Y tế xây dựng báo cáo và tờ trình ngắn gọn, xin ý kiến các thành viên Chính phủ tại phiên họp tháng 5/2021 một số nội dung liên quan đến công tác phòng chống Covid-19, trong đó chuẩn bị tình huống 30.000 người nhiễm.

Sau hơn một tháng không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng, từ ngày 29/4, Việt Nam ghi nhận 24 ca lây nhiễm cộng đồng.

Chuỗi lây nhiễm thứ nhất khởi đầu từ “bệnh nhân 2899”, tại Hà Nam hôm 29/4, sau đó lây cho 18 người khác ở Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên, TP HCM.

Chuỗi lây nhiễm thứ hai, từ nhóm chuyên gia Trung Quốc nhiễm Covid-19, đã xuất cảnh về nước, nhưng đến 2/5, đã lây cho 6 cô gái làm việc tại một quán bar ở Vĩnh Phúc.

Viết Tuân (theo Vnexpress)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here