Trang chủ Tin tức Pháp luật Mạnh tay chống gian lận trong thương mại điện tử

Mạnh tay chống gian lận trong thương mại điện tử

DNĐVViệc sử dụng mạng xã hội để buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc đã và đang ảnh hưởng tới đời sống của người dân… Với quyết tâm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng trong thương mại điện tử lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) trên cả nước đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, qua đó phát hiện và xử lý kịp thời nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, giả mạo nhãn hiệu.

Toàn cảnh kho hàng tại Ninh Bình bị lực lượng QLTT kiểm tra. Ảnh T.Tr

Có thể thấy, liên tiếp những ngày vừa qua, hàng loạt kho hàng chứa hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc quy mô lớn của các thương hiệu nổi tiếng như Dior, Chanel, Gucci, Burberry, Adidas, LV, Zara, Hermes đã được Tổng cục QLTT triệt phá ở nhiều tỉnh, thành miền Bắc.

Thực hiện Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2021, ngày 15-3, Đội QLTT số 4, Cục QLTT Ninh Bình phối hợp Phòng Nghiệp vụ tổng hợp, Phòng Thanh tra pháp chế Cục QLTT Ninh Bình và Công an huyện Yên Mô (Ninh Bình) kiểm tra cửa hàng Bình Dung do ông Lê Thanh Bình làm chủ (chủ tài khoản Facebook: https://www.facebook.com/TranDung.ThoiTrang), địa chỉ tại Phú Mỹ, xã Yên Phong (Yên Mô, Ninh Bình). Qua kiểm tra, phát hiện cửa hàng đang kinh doanh 562 sản phẩm quần áo Gucci, Zara, Nike có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam và 1.650 chiếc khẩu trang vải không có căn cứ để xác định nguồn gốc nơi sản xuất, xuất xứ hàng hóa…

Ngày 17/3, Tổ công tác 368 của Tổng cục QLTT phối hợp với Cục QLTT Nam Định và PC 03- Công an tỉnh Nam Định đột kích vào kho tàng trữ hàng hóa giả nhãn hiệu Hermes, LV, Chanel… tại địa chỉ thôn Đại Lại, xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Qua kiểm tra, kho hàng rộng hơn 500 m2 tàng trữ hàng chục nghìn các sản phẩm chủ yếu là túi giả mạo nhãn hiệu Hermes (một hãng thời trang xa xỉ có trụ sở ở Paris, Pháp). Khi lực lượng chức năng kiểm tra, người đại diện kho hàng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của hàng hóa.

Theo ước tính, có tới 20.000 – 30.000 sản phẩm vi phạm được tàng trữ tại đây. Chủ yếu là túi xách giả mạo các nhãn hiệu như Hermes, LV, Chanel. Lực lượng chức năng phải dùng tới 10 xe ô tô tải 3,5 tấn mới có thể di chuyển hết số hàng hóa vi phạm tại kho hàng này. Lô hàng vi phạm ước trị giá khoảng 6 tỷ đồng.

Cũng trong ngày 17-3, Đội QLTT số 8 thuộc Cục QLTT tỉnh Hà Giang đã kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh tạp hóa tại tổ 5, thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh do bà Vùi Thị Miên làm chủ, phát hiện 745 sản phẩm là sữa và nước mắm quá hạn sử dụng. Qua kiểm tra, cửa hàng này đang bày bán thực phẩm bao gói sẵn các loại, trong đó có 745 sản phẩm là sữa tươi tiệt trùng mang các nhãn hiệu Vinamilk, Ba Vì, iZZi và nước mắm mang nhãn hiệu Phú Quốc đã quá hạn sử dụng in trên bao bì sản phẩm…

Chiều 25-3, hàng vạn sản phẩm thời trang có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như: LV, Gucci, Nike… được chứa trong căn nhà ba tầng thuê tại địa chỉ số 2, DV04 tây nam Linh Đàm (phố Bằng Liệt, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) đã bị Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp Tổ 368 và Đội QLTT số 15, Cục QLTT TP Hà Nội đột xuất kiểm tra và thu giữ.

Tiếp đến, ngày 29/3, Đội QLTT số 16, Cục QLTT Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Long Biên ập vào kiểm tra kho hàng 100 m2 tại số nhà 30, ngõ 56, ngách 139 Thạch Cầu, Long Biên, TP Hà Nội. Tại đây, lực lượng chức năng thu giữ hàng nghìn sản phẩm giày dép thời trang giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng Dior, Chanel, Gucci, Burberry, Adidas, LV, Zara, Hermes…

Rõ ràng, không khó để đưa ra nhận định hàng hóa được thu giữ là giả mạo, bởi các thương hiệu nổi tiếng luôn bày bán sản phẩm ở các trung tâm thương mại danh tiếng, và sản phẩm có giá từ vài trăm đến cả chục ngàn USD.

Đặc biệt, theo cơ quan chức năng, điểm chung của các vụ việc đình đám vừa được phát hiện là giao dịch mua, bán hàng được thực hiện chủ yếu qua kênh online, nhất là mạng xã hội Facebook.

Việc sử dụng mạng xã hội để buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng. Đơn cử như vụ việc tại Nam Định cơ quan chức năng phải mất đến 6 tháng điều tra, theo dõi mới có thể phát hiện, triệt phá thành công.

Được biết, để phát hiện ra kho hàng này, lực lượng chức năng  phải trinh sát, theo dõi qua nhiều tháng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kho hàng này hoạt động chủ yếu bằng hình thức bán online trên mạng xã hội facebook và qua nền tảng thương mại điện tử (TMĐT): Lazada, Shopee… Tại thời điểm kiểm tra, một lượng lớn hàng hóa đã được đóng gói, dán mã vận. Làm việc với lực lượng chức năng , chủ kho hàng không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng như các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Đặc biệt, toàn bộ số hàng hóa đều có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu LV, Gucci, Nike, Versace, Calvin Klein, Adidas đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam. Đây là vụ việc đầu tiên được Cục Nghiệp vụ QLTT thực hiện theo Quyết định số 888 của Tổng cục QLTT về đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 5 năm 2021 – 2025 (thay thế Quyết định 3972). Hiện, lực lượng chức năng  đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên để xử lý theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, để triển khai kế hoạch chống buôn lậu, gian lận trong thương mại điện tử lực lượng QLTT cũng gặp không ít khó khăn bởi đối tượng chủ yếu chào bán trên mạng xã hội và sử dụng dịch vụ chuyển phát để vận chuyển hàng hóa. Hàng chục tài khoản với các tên gọi khác khau như được các đối tượng thay nhau sử dụng để né tránh sự kiểm tra của các lực lượng chức năng. Đặc biệt, một thủ đoạn tinh vi phải kể đến trong vụ việc này, đó là đối tượng sử dụng một cửa hàng trung gian tại Hà Nội để làm nơi giới thiệu sản phẩm. Nhưng thực chất, cửa hàng này không chứa bất cứ sản phẩm nào. Điều này đã gây không ít khó khăn cho LLCN trong công tác kiểm tra, kiểm soát.

Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) xây dựng kế hoạch 399/KH- BCDD389 tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử và thành lập Tổ triển khai kế hoạch này (Tổ công tác 399). Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Tổ này là: rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý về lĩnh vực thương mại điện tử. Kịp thời phát hiện những bất cập, sơ hở, chồng chéo để thống nhất kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử; Rà soát, phân loại danh sách các website, ứng dụng thương mại điện tử, các nhóm mặt hàng và hành vi vi phạm phổ biến để đánh giá đúng thực trạng; kịp thời phát hiện, tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử…
Thu Trang (theo BCĐ 389)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here